Nhiều trẻ bị bỏng thương tâm
Nếu như ở thời điểm bình thường trong năm, trên 90% bệnh nhi bị bỏng điều trị tại khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn là những trẻ từ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi thì vào mùa hè độ tuổi trẻ lớn hơn, nhất là nhóm trẻ 7-8 tuổi và trẻ 14-15 tuổi bị bỏng đến điều trị tăng mạnh, chiếm tỷ lệ cao.
Bằng thực tiễn điều trị cho người bệnh, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn lý giải, vào mùa hè, các trẻ lớn trong độ tuổi học đường được nghỉ học, tự do vui chơi, không có người lớn trông nom sát sao… nên dễ gặp phải các tai nạn thương tích nói chung, tai nạn bỏng nói riêng. Đáng buồn là có nhiều trẻ nhập viện thương tâm vì gặp tai nạn bỏng do chính người lớn sơ suất gây ra.
Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, có bà mẹ vừa nấu xong nồi cháo, bưng ra đặt trước quạt cho nguội, ngay cạnh chỗ trẻ đang ngồi, thế là trẻ mải chơi sơ ý nhúng nguyên cẳng tay vào nồi cháo nóng gây bỏng khá nghiêm trọng. Trẻ hiếu động chạy nhảy khắp nhà nên dễ bị bỏng nước sôi, nước canh trong các hoàn cảnh tương tự, thậm chí có người lớn đang bê bát nước canh nóng sơ ý vấp, đổ cả bát nước canh nóng vào người trẻ.
Những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao đột biến. |
Đặc biệt, khoảng 1 tháng trở lại đây, khoa Bỏng tiếp nhận tới 30-40 ca bị bỏng cồn do nướng mực, trong đó có nhiều trẻ em bị bỏng khá nặng vì ngồi xem, đùa nghịch quanh chỗ người lớn nướng cá và không may bị lửa cồn bén vào người. Nặng nhất có một trẻ bị bỏng nghiêm trọng do nổ chai cồn khi người lớn nướng cá chỉ vàng để nhậu trong nhà…
Bác sĩ Nguyễn Thống phân tích, vào mùa hè, bệnh nhân bỏng tăng 15-20%. Qua theo dõi cho thấy, hễ ngày mát mẻ, lượng bệnh nhân bỏng vào điều trị giảm hẳn nhưng cứ vào ngày nắng nóng oi bức thì lại tăng vọt. “Có thể ngày oi bức tác động đến thần kinh mọi người, khiến con người hay sơ ý hơn, cẩu thả hơn, chăm sóc trẻ không đến nơi đến chốn khiến tai nạn dễ xảy ra. Một vấn đề nữa là qua theo dõi, trẻ bị bỏng thường rơi vào trường hợp người dân ở nhà chật chội, tạm bợ, hệ thống đường điện, bếp núc trong nhà không an toàn…” - bác sĩ Nguyễn Thống chia sẻ thêm.
Nguy hiểm từ chính những đồ dùng gia đình
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi gặp tai nạn sinh hoạt. Chẳng hạn, có trẻ 2 tuổi (ở Hà Nội) bị ngộ độc do uống nhầm thuốc nhỏ mũi; 1 bé gái 6 tháng tuổi (ở Hoài Đức, Hà Nội) gãy xương hàm mặt do sự cố chơi với xe tập đi; 1 cháu bé 3 tuổi ở Vĩnh Phúc bị viêm màng não mủ do ngã trong lúc vừa ăn vừa chơi đùa khiến chiếc đũa ăn chọc sâu vào mũi.
Một trường hợp hy hữu khác là bé trai 1 tuổi (ở Ninh Bình) được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu vì có một nửa chiếc kim khâu mắc kẹt trong khớp gối, dị vật di chuyển sang các phần khác gây nguy cơ phải cắt cụt chi. Trước đó, trong lúc ngồi bên cạnh xem anh trai khâu diều, bé không may bị chiếc kim khâu dài 3cm đâm sâu vào đầu gối, mẹ bé rút chiếc kim ra nhưng một nửa chiếc kim vẫn mắc kẹt bên trong khớp gối…
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, những tai nạn trẻ em gặp phải do đùa nghịch với các vật dụng hàng ngày khá phổ biến. Phần lớn các tai nạn đều bắt nguồn từ sự lơ là của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ, bởi trẻ nhỏ thường hiếu động, thích khám phá và không ý thức được hiểm họa rình rập khi chơi đùa với những món đồ này.
Do vậy, để chủ động phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ, phụ huynh, người trông trẻ cần nâng cao cảnh giác, chú ý dọn dẹp, sắp xếp vật dụng trong nhà, chỗ vui chơi của trẻ một cách gọn gàng, nhất là không để các vật dụng có thể gây tai nạn, gây bỏng cho trẻ ở gần tầm với của trẻ.
Với riêng trẻ bị bỏng, bác sĩ Nguyễn Thống khuyến cáo, khi thấy trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, tưới rửa vùng bỏng dưới vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc gì vào vết bỏng.