Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người lao động tại TP.HCM dành quá nhiều thời gian cho công việc'

Đó là đánh giá của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân về thời gian làm việc của người lao động ở TP.HCM tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sáng 6/1.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết cơ cấu kinh tế tại TP.HCM đã có sự chuyển dịch hiệu quả. Ngành dịch vụ năm 2000 chiếm tỷ trọng 52%, nay đã vượt lên 61,2%. Trong khi đó, công nghiệp từ 45% giảm còn 25,4%, còn nông nghiệp cũng giảm từ 2% còn 0,7%.

"Một ha đất công nghiệp, dịch vụ của TP tạo nên giá trị gấp 1.000 lần một ha đất nông nghiệp. Đây là một kết quả đáng trân trọng", ông nhận định.

co cau kinh te o TP.HCM anh 1

Bí thư Nhân đánh giá cao kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Đặc biệt, Bí thư Nhân đánh giá TP.HCM là đầu tàu của đất nước trong cả 3 lĩnh vực, xét theo tỷ lệ đóng góp vào giá trị gia tăng toàn quốc. TP.HCM đem lại 33% giá trị gia tăng trong ngành dịch vụ của cả nước, trong khi công nghiệp và xây dựng của TP cũng chiếm đến 16%, hơn hẳn các địa phương khác.

Nói riêng về ngành nông nghiệp, ông cho rằng TP.HCM đang phát triển hiệu quả với năng suất cao, gấp 3,3 lần cả nước. Theo đó, lao động nông nghiệp ở TP.HCM chỉ chiếm 0,3% cả nước, còn diện tích đất nông nghiệp cũng chỉ chiếm 0,42%, nhưng đóng góp đến 1% giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp.

Nhờ những sự đóng góp này, năm 2019 trở thành năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM đạt tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản phẩm (GRDP) năm 2019 đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% so với năm 2018. Xét tỷ lệ GRDP trên tổng diện tích, TP.HCM gấp 35 lần bình quân cả nước.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng bày tỏ lo ngại khi xuất khẩu năm 2019 của TP chỉ đóng góp 16% giá trị cả nước, trong khi tỷ lệ này vào năm 2000 là 56%. Đây là chỉ số kinh tế có sự sụt giảm mạnh nhất của TP.HCM trong 20 năm qua, ông nhận xét.

Ông Nhân cũng cho biết người lao động còn dành quá nhiều thời gian cho công việc (54 giờ/tuần, so với bình quân 44 giờ/tuần trên cả nước).

"Người lao động tại TP.HCM đang dành quá nhiều thời gian cho công việc. Điều này khiến người lao động không còn thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Điều này làm giảm tỷ lệ sinh và ảnh hưởng lâu dài đến lực lượng lao động của TP trong tương lai. TP.HCM hiện tại chiếm 9% dân số cả nước nhưng số lao động chỉ bằng 8,33%", ông nói.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm