Sáng 13/1, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức tổng kết triển khai Chỉ thị 43 năm văn hóa, văn minh đô thị 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Nhiều đại biểu chỉ ra rằng, thương hiệu "5 không" (không hộ đói, không có người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không người nghiện ma túy, không có giết người cướp của), được triển khai hiệu quả từ năm 2001 đến nay đang gặp thách thức.
Nguy cơ mất thương hiệu "5 không"
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB & XH) Đà Nẵng, cho biết năm 2015 Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550, thuộc Sở LĐ-TB & XH) phối hợp với các địa phương phát hiện, thu gom 331 trường hợp lang thang xin ăn. Trong đó, 90 là người tâm thần, 241 người xin ăn và lang thang không nơi cư trú.
Hai người ăn xin bị cơ quan chức năng đưa về trung tâm bảo trợ. Ảnh: Đ.N |
Theo bà Hưng, so với cùng kỳ năm trước, số người lang thang xin ăn được phát hiện tăng 300%. Các lực lượng chức năng cũng đã cảnh cáo, nhắc nhở gần 1.800 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 295 trường hợp, với số tiền gần 130 triệu đồng. Hỗ trợ chuyển đổi việc làm khác cho 31 người và trả về địa phương 303 trường hợp.
"Lang thang xin ăn là vấn nạn của nhiều đô thị, trong đó có TP Đà Nẵng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tệ nạn xã hội và trật tự đô thị", bà Hưng khẳng định.
Vị lãnh đạo này cho rằng, việc xử lý đang gặp nhiều khó khăn do đứng sau những người này là các kẻ chăn dắt người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em để vừa bán hàng rong vừa xin ăn. Đa phần người lang thang xin ăn hay xin ăn biến tướng là ở các địa phương khác đến.
Hình thức hoạt động của những người này khá tinh vi, khi phát hiện có lực lượng chức năng, họ lẩn trốn rất nhanh. "Việc xử lý những người có hành vi chăn dắt gặp khó khăn vì chính hành vi này mang đến cho họ (kể cả người chăn dắt và người đi xin ăn) thu nhập đáng kể", đại diện lãnh đạo Sở LĐ - TB & XH Đà Nẵng thừa nhận.
Gần 2.700 người nghiện ma túy
Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết tình trạng sử dụng, nghiện ma túy vẫn tăng, chưa được kiểm soát một cách cơ bản. Trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã khởi tố 115 vụ, 166 người hoạt động phạm tội về ma túy. Công an thu giữ 4.271,2 gram ma túy các loại cùng tang vật, tài sản có liên quan. So với năm 2014, lượng heroin thu giữ nhiều hơn 5 lần.
Trên địa bàn hiện có 2.673 người nghiện ma túy, tăng 3 người so với năm 2014 (hơn 90% là thanh niên). Đại tá Chính cho rằng, người nghiện ở cộng đồng ngày càng nhiều là nguyên nhân tình trạng trộm cắp, cướp giật tăng. Cụ thể, năm 2015 số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tăng 3,6%, án trộm cắp tăng 7,6% (24 vụ).
Người nghiện ở Đà Nẵng đang lao động tại trung tâm. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Đà Nẵng đang là nơi mà những người có tiền án, tiền sự ở các nơi khác cả trong và ngoài nước tập trung. Họ đến đây thực hiện hành vi phạm tội nhanh, bất ngờ rồi lẩn trốn", ông Tam nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi không phù hợp với nếp sống văn minh đô thị, như đeo bám, chèo kéo khách; lang thang xin ăn...
"Lãnh đạo các địa phương phải phát huy hiệu quả việc duy trì công tác tự quản và phải có giải pháp cụ thể để tiến tới mục tiêu không còn quảng cáo rao vặt, lang thang xin ăn và đeo bám, chèo kéo khách trên địa bàn", ông Tuấn chỉ đạo.
Nhắc nhở gần 2.300 trường hợp vi phạm
Liên quan đến chủ đề "Năm văn hóa văn minh đô thị", ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết năm 2015, có 2.291 trường hợp vi phạm bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch bị nhắc nhở.
Có 365 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền 98,60 triệu đồng (tăng gấp 4 lần số vụ, 8 lần số tiền xử phạt so với năm 2014). Đến nay, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách tại khu vực trung tâm đã giảm 90%...