*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Genre: Hành Động, Phiêu Lưu
Director: Peyton Reed
Cast: Paul Rudd, Evangeline Lilly, Jonathan Majors,...
Rating: 7/10
Trải qua một thời kỳ hỗn loạn và biến động, MCU mới đây đã có thêm tân binh mang tên Ant-Man and the Wasp: Quantumania (tựa Việt: Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới lượng tử). Theo tiết lộ của nhà sản xuất, bộ phim này đóng vai trò quan trọng, là phát súng khởi động Phase 5 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Nội dung Quantumania tập trung khám phá Multiverse (Đa vũ trụ) – yếu tố đã manh nha xuất hiện trong một số sự kiện của Phase 4. Trước đó, Marvel Studios từng trượt dài khi đánh mất thiện cảm của fan. Hàng loạt phim được quảng bá là “bom tấn” nhưng kết quả gây thất vọng như Eternals, Thor 4 hay Dr. Strange 2... Vậy nên, sự xuất hiện của Quantumania lần này còn mang trọng trách vực lại niềm tin của khán giả sau thời kỳ thảm họa.
Áp lực từ kỳ vọng cao
Quantumania là phần 3 trong series về siêu anh hùng Người Kiến – Scott Lang/Ant Man. Lấy bối cảnh sau sự kiện Endgame (2019), Ant Man (Paul Rudd thủ vai) nổi tiếng và bắt đầu phát hành tự truyện. Rũ bỏ lớp áo siêu anh hùng, anh trở lại cuộc sống thường nhật cùng con gái Cassie (Kathryn Newton) và gia đình bạn gái Hope van Dyne (Evangeline Lilly).
Chẳng ngờ, Cassie lại bí mật nghiên cứu về thế giới lượng tử. Trong một phút bất cẩn, sự cố xảy ra cuốn tất cả thành viên gia đình tới thế giới này. Trong lúc khám phá và tìm đường thoát khỏi nơi đây, họ đụng độ quân đội của Kẻ chinh phạt - Kang the Conqueror (Jonathan Majors). Dần dà, nhiều bí mật trong quá khứ được bóc tách, hé lộ quá khứ và số phận của nhân vật.
Gia đình Scott bị cuốn vào lượng tử giới và phải đối mặt với phản diện Kang the Conqueror. |
Trên một số chuyên trang đánh giá, bộ phim này nhận về không ít lời chỉ trích nặng nề. Nhưng thực tế, Quantumania không phải một dự án quá tệ, đặc biệt về mặt giải trí.
Đơn cử, Rotten Tomataoes tổng hợp số điểm của các nhà phê bình dành cho phim chỉ vỏn vẹn 48%, chứng nhận “cà chua thối”. Đây là mức đánh giá thấp kỷ lục trong lịch sử MCU, chỉ nhỉnh hơn Eternals (2021) trong tổng số 31 bộ phim.
Bởi lẽ, giới hàn lâm đã mong chờ quá nhiều vào cốt truyện và cách thức đạo diễn Peyton Reed mở ra Phase 5. Họ kỳ vọng rằng Ant-Man 3 sẽ là một cú chuyển mình mạnh mẽ, giúp Marvel đặt nền móng vững chắc cho tương lai của giai đoạn này.
Dẫu vậy, nghịch lý xảy ra khi khẩu vị khán giả không đồng nhất với các nhà phê bình phim. Số điểm mà người xem đánh giá Quantumania khá cao, lên tới 84%. Không thể phủ nhận, họ tới rạp xem phim vì mục đích giải trí. Và rõ ràng đứa con tinh thần của Peyton Reed đã làm điều này không tệ.
Kịch bản lỏng lẻo, đa vũ trụ nhạt nhẽo?
Khách quan mà nói, kịch bản của Ant-Man 3 là yếu tố kéo tụt chất lượng phim. Trên nền chất liệu còn “xốp”, biên kịch ôm đồm quá nhiều, trong khi những yếu tố sáng tạo chẳng đáng bao nhiêu. Nhiều tình tiết bị dàn trải theo hình thái khiên cưỡng. Liên kết giữa các dòng thời gian dựa trên hồi tưởng cũng không mấy ấn tượng.
Ngoài ra, các sự kiện đôi khi hoặc thiếu tiết chế, hoặc chưa được giải quyết triệt để. Mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim cũng bị nhiều phen bị ngó lơ. Vì thế, chuyện phim thiếu đi sức nặng, không đọng lại quá nhiều trong tâm trí người xem. Thậm chí, họ có thể cảm thấy đây không thực sự là một dự án trọn vẹn.
“Quantumania không thể hiện được cung bậc cảm xúc mạnh mẽ. Có nhiều bối cảnh đầy hứa hẹn trong màn đầu tiên của bộ phim, đơn cử như những rắc rối trong mối quan hệ của Scott và Cassie. Tuy nhiên, đạo diễn đã bỏ quên điều này”, tờ Cbr nhận xét.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trên phương diện dự án mở màn, Quantumania đã ít nhiều hoàn thành nhiệm vụ. Tác phẩm giới thiệu cho khán giả những khái niệm mới về lượng tử giới, về các dòng thời gian hay thậm chí là cả đa vũ trụ, dù chỉ mới dừng chân ở phương diện tổng quát. Kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh trong phim không quá xuất sắc, nhưng vượt qua ngưỡng an toàn. Vậy nên, khán giả có thể hài lòng khi được chiêu đãi bữa tiệc hình ảnh đồ họa đẹp tại rạp.
Dù VFX và CGI đẹp, không thể phủ nhận lượng tử giới trong Quantumania còn khá nhạt nhòa. Góc xây dựng khái quát và thiếu đặc tính khiến cho thế giới này chưa nổi bật, chưa tạo được cách biệt so với những nơi mà Marvel từng dẫn người xem khám phá trước đây.
Nhân vật chính mất "spotlight"
Bên cạnh cốt truyện, việc xây dựng các tuyến nhân vật của Ant-Man 3 cũng tỏ ra sơ hở. Phim cài cắm quá nhiều nhân vật nhưng phân bổ chưa khách quan. Là phần phim về Người Kiến và Chiến binh Ong nhưng cả hai đều không để lại dấu ấn. Đặc biệt, Chiến binh Ong gần như không còn đất để thể hiện trong phim. Trong khi ấy, Janet (Michelle Pfeiffer) – mẹ của Chiến binh Ong lại là nhân vật nổi bật. Điều này từng xảy ra không lâu trước đó trong Black Adam, khi màn hóa thân Doctor Fate của tài tử Pierce Brosnan lấn át cả nhân vật chính.
Màn trình diễn của Janet làm lu mờ cả Ant-man và The Wasp. |
Cuối cùng, “ông trùm” của Phase 5 – Kang the Conqueror cũng không khỏi khiến fan thất vọng. Được quảng cáo là một phản diện ngang tầm, thậm chí vượt qua cả gã Titan điên Thanos, nhưng Kẻ chinh phạt hiện lên trong Quantumania lại khá ngớ ngẩn.
"Kang The Conqueror trong phim của tôi là một nhân vật rất khác. Anh ta là người có quyền năng thống trị thời gian, và trên hết là một một chiến binh, một chiến lược gia đại tài”, đạo diễn Peyton Reed từng chia sẻ trong buổi phỏng vấn với tạp chí Empire.
Thế nhưng, trên thực tế, màn trình diễn của nhân vật này lại chẳng có mấy sức nặng trong Ant-Man 3. Theo dòng thời gian câu chuyện, Kang ngày càng tỏ ra là một nhân vật không đáng quan ngại như tưởng tượng. Trí tuệ của Kẻ chinh phạt – vốn là thứ khiến hắn trở nên nguy hiểm, hoàn toàn mất dấu. Sức mạnh công nghệ cũng chỉ được tô vẽ hời hợt với việc tạo ra một đội quân tưởng chừng hầm hố nhưng dễ dàng bị đánh bại. Tệ hại hơn, The Conqueror “đánh đông dẹp bắc”, hủy diệt cả trăm nghìn hành tinh lại trầy trật trong trận chiến với The Wasp cùng Ant-Man.
Bù lại, ngoại trừ nữ diễn viên trẻ Kathryn Newton, diễn xuất của dàn cast trong phim khá ấn tượng. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để cứu vớt độ “nhạt” của kịch bản, đồng thời kéo phim MCU trở lại thời kỳ huy hoàng như trước.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.