Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người khiến Triều Tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia

Lần đầu tiên trong lịch sử, một người Triều Tiên sẽ bị dẫn độ từ Malaysia sang Mỹ để chịu xét xử. Bình Nhưỡng cắt quan hệ ngoại giao với Kuala Lumpur để phản đối việc dẫn độ này.

Doanh nhân Triều Tiên Mun Chol Myong trở thành điểm nóng trong quan hệ Triều Tiên - Malaysia, sau khi tòa án Malaysia ra phán quyết cho phép dẫn độ ông sang Mỹ để chịu xét xử. Vì hành động này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 18/3 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia. Bình Nhưỡng chỉ trích việc Kuala Lumpur giao nộp công dân của mình cho Mỹ.

Đây không chỉ là diễn biến lớn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với hoạt động của Triều Tiên ở nước ngoài, mà còn thể hiện cam kết của Malaysia đối với luật lệ quốc tế, theo Jason Barlett, trợ lý nghiên cứu tại Chương trình Năng lượng, Kinh tế và An ninh của Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

Phán quyết của tòa án Malaysia bác bỏ đơn kháng cáo của doanh nhân Triều Tiên Mun Chol Myong cũng sẽ góp phần chống lại tiếng xấu của Malaysia là "điểm nóng về né tránh lệnh cấm vận", theo The Diplomat.

nguoi trieu tien bi dan do sang My anh 1

Tòa án ở Malaysia ra phán quyết cho phép dẫn độ doanh nhân Triều Tiên sang Mỹ. Ảnh: AFP.

Hoạt động của Triều Tiên ở khu vực

Trước khi bị bắt giữ vào năm 2019, Mun Chol Myong sống ở Malaysia với gia đình trong một thập niên. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc người này rửa tiền thông qua công ty "bình phong", và tổ chức vận chuyển hàng xa xỉ từ Singapore đến Triều Tiên - tức vi phạm các lệnh cấm vận của cả Liên Hợp Quốc và Mỹ.

Trong hồ sơ của mình, ông Mun phủ nhận mọi cáo buộc và nói mình là nạn nhân của mâu thuẫn chính trị.

Tuy nhiên, Tòa án Liên bang Malaysia bác bỏ kháng cáo của ông Mun muốn hủy bỏ việc dẫn độ, và ra phán quyết rằng vụ ông Mun cần phải tuân theo thỏa thuận dẫn độ giữa Malaysia và Mỹ.

“Đây là phán quyết đặc biệt ý nghĩa, nhất là vì các hoạt động tội phạm của Triều Tiên được giám sát khá lỏng lẻo ở Đông Nam Á. Ngoài ra (phán quyết này) cũng báo hiệu quan hệ Malaysia - Triều Tiên sẽ càng xuống thấp”, ông Barlett viết trong bài bình luận trên Diplomat.

Quả là vậy. Ngày 19/3, ngay sau phán quyết, Triều Tiên đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia. Kuala Lumpur chỉ trích quyết định này, yêu cầu nhân viên ngoại giao của Bình Nhưỡng phải về nước trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Theo ông Barlett, việc Triều Tiên che giấu các hoạt động tài chính mờ ám ở nước ngoài đã được ghi nhận từ lâu, cụ thể là các âm mưu rửa tiền tinh vi và các dự án kinh doanh bề ngoài là hợp lệ.

Triều Tiên đã vận hành một mạng lưới các hoạt động bất hợp pháp bên trong Malaysia, từ buôn bán bất hợp pháp các hàng hóa, vật liệu cấm, cho tới tội phạm tài chính thông qua tấn công mạng.

Chẳng hạn, báo cáo năm 2017 của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên nêu tên công ty công nghệ Glocom đặt ở Malaysia là công ty bình phong cho công ty Pan Systems Bình Nhưỡng - công ty của Triều Tiên hỗ trợ tài chính cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, tài liệu năm 2020 của quân đội Mỹ về Triều Tiên cũng nêu Malaysia là một trong 5 điểm nóng về hoạt động tấn công mạng của Triều Tiên - ngoài ra còn có Trung Quốc, Nga, Belarus và Ấn Độ.

“Phán quyết chưa từng có của tòa án Malaysia chấp thuận việc dẫn độ Mun Chol Myong gửi tín hiệu về lập trường mới trong việc đối phó với tội phạm tài chính từ nước ngoài, không chỉ trước Washington và Bình Nhưỡng, mà còn là trước các nước thành viên ASEAN”, ông Barlett bình luận.

nguoi trieu tien bi dan do sang My anh 2

Jagjit Singh, luật sư cho ông Mun Chol Myong. Ảnh: AFP.

Tác động tới khu vực Đông Nam Á

Vụ việc đơn lẻ của Mun Chol Myong sẽ không làm chấm dứt mọi hoạt động bất hợp pháp mà Triều Tiên thực hiện ở Đông Nam Á. Nhưng vụ này sẽ tạo tiền lệ mới cho việc củng cố khung pháp lý trong khu vực cũng như tuân thủ các lệnh cấm vận.

Trong vụ tấn công mạng và cướp ngân hàng lớn nhất được ghi nhận cho đến nay, các tội phạm trên mạng của Triều Tiên đã cướp khoảng 80 triệu USD từ ngân hàng trung ương Bangladesh, do ngân hàng này thiếu các biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Theo ông Barlett, vụ dẫn độ Mun Chol Myong có thể sẽ tạo động lực cho các tổ chức tài chính ở Đông Nam Á và các chính quyền hành động mạnh hơn. Phán quyết của tòa án Malaysia còn củng cố hình ảnh của Malaysia là một quốc gia có trách nhiệm đối với các cam kết pháp lý của mình.

“Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trước các biện pháp né cấm vận và các tội phạm tài chính của Triều Tiên, nhưng giờ đây, khu vực đang có một tiền lệ làm nền tảng”, ông Barlett cho biết.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, được đăng tải trên hãng tin nhà nước KNCA, nói chính quyền Malaysia “phạm tội ác không thể tha thứ... khi giao công dân vô tội của Triều Tiên cho Mỹ”. Phía Triều Tiên tuyên bố “cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia”. Triều Tiên cũng cảnh báo Washington sẽ “phải trả giá”.

Ra trước tòa, ông Mun phủ nhận cáo buộc của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Triều Tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia

Triều Tiên đưa ra động thái nói trên sau khi tòa án ở Malaysia ra phán quyết cho phép dẫn độ một người Triều Tiên sang Mỹ để bị xét xử vì nhiều cáo buộc, bao gồm việc rửa tiền.

Tướng Mỹ cảnh báo Triều Tiên sắp thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới

Chỉ huy Bộ tư lệnh Phía bắc (USNORTHCOM) cảnh báo Triều Tiên có thể thử nghiệm thiết kế ICBM mới "trong tương lai gần", sau hơn 3 năm tạm ngưng những vụ thử tên lửa chiến lược.

Trọng Thuấn

Theo Diplomat

Bạn có thể quan tâm