Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Italy đổ xô đi làm đẹp sau hơn 2 tháng ‘nhịn’ chải chuốt

Italy tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong toả, cho phép nhà hàng, quán bar, nhà thờ và nhiều dịch vụ làm đẹp mở cửa trở lại.

Bà Lucilla Vettraino, 78 tuổi, vội vã đến tiệm làm đầu hôm 18/5 để “chữa cháy”. “Tôi trông như một mụ phù thuỷ vậy”, bà cảm thán về mái đầu đỏ rực của mình.

Trong suốt 2 tháng phong toả, bà Vettraino cố gắng tự làm tóc vì không thể hẹn gặp chuyên gia làm đầu. Ngay khi chính phủ cho phép các thẩm mỹ viện mở cửa trở lại, bà Vettraino lập tức đặt lịch hẹn để sửa chữa sai lầm.

lam dep anh 1

Một tiệm làm móng ở Rome trang bị tấm che nhựa sau khi mở cửa trở lại vào ngày 18/5. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, bà vẫn không thể lên lịch với người làm móng trước ngày 26/6: “Bộ móng tay này thật kinh khủng”, bà Vettraino than vãn.

Covid-19 đã chỉ ra nhiều vấn đề mang tính vĩ mô của xã hội. Song trong trường hợp của Italy, đại dịch còn làm nổi bật tầm quan trọng của ngành dịch vụ làm đẹp cá nhân, dẫn lời bình của The New York Times.

Trung tâm sắc đẹp

Theo một nghiên cứu của cơ quan đại diện cho Phòng Thương mại, Italy là cái nôi của ngành làm đẹp với khoảng 104.000 tiệm làm tóc và hàng chục nghìn cơ sở làm móng, tẩy lông, massage.

Nhiều nước châu Âu khác, với quy mô dân số tương đồng Italy, không sở hữu ngành công nghiệp làm đẹp phát triển đến vậy. Số cơ sở chăm sóc sắc đẹp ở Anh chỉ bằng một nửa Italy trong khi Pháp chỉ có 85.700 tiệm làm tóc.

Ông Roberto Papa, tổng thư ký của Confestetica, hiệp hội đại diện cho lực lượng lao động của ngành thẩm mỹ, cho biết hầu hết thẩm mỹ viện đã kín lịch trong mùa hè cao điểm.

Song nhân viên trong ngành vẫn lo lắng về triển vọng nghề nghiệp dài hạn. Hiểu được tâm lý của người lao động, hiệp hội Confestetica đang tích cực vận động hành lang, hy vọng chính phủ sẽ sớm cắt giảm thuế dịch vụ cho ngành làm đẹp trong tương lai.

lam dep anh 2

Một tiệm cắt tóc ở Piverone, gần khu vực Turin hôm 18/5. Ảnh: AP.

Thị trưởng thành phố Bergamo, ông Giorgio Gori, dường như đồng tình với quan điểm này. Ông Gori mới đăng tải quy trình cắt tóc của mình trên Facebook cá nhân.

Viễn cảnh sau đại dịch

Đối với người dân Italy, ngày 18/5 đánh dấu công cuộc làm đẹp vĩ đại sau hơn 2 tháng “nhịn” chải chuốt vì các biện phong toả. Còn với các cơ sở kinh doanh, được mở cửa trở lại là động thái “bình thường hoá cuộc sống” sau nhiều ngày tháng bất ổn vì dịch bệnh.

Dù vậy, nhiều hàng quán vẫn chưa sẵn sàng hoạt động vì không đáp ứng được các quy định giãn cách xã hội. Các hàng ăn, quán cafe tin rằng việc bố trí chỗ ngồi cách xa 2 m không thể đem về lời lãi.

“Thật sự rất khó khăn”, Andrea Salvatore, 30 tuổi, nhân viên thu ngân của quán cafe Tazza d’Oro cho biết. Trước khi có dịch, cơ sở này luôn chật kín du khách Trung Quốc. Giờ đây, không gian của Tazza d’Oro lại khá vắng vẻ.

Tình hình ở các cơ sở làm đẹp có vẻ khả quan hơn dù nhân viên và khách hàng vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Anh Roberto Perilli, nhân viên của một tiệm làm tóc, cho biết các vị khách phải xưng danh và khai báo y tế trước khi vào cửa hàng.

lam dep anh 3

Một salon làm tóc ở kinh đô thời trang Milan hôm 18/5. Ảnh: AP.

Dù lịch đã kín trong vài tuần tới, anh Perilli vẫn khá lo lắng về tương lai sau này. Các biện pháp giãn cách xã hội khiến lưu lượng khách hàng giảm đáng kể so với thời điểm trước khi có dịch. Anh sợ rằng việc kinh doanh không thể duy trì lâu dài nếu tình trạng này tiếp diễn.

Song điều đáng mừng là người dân Italy luôn quan tâm đến dung mạo bên ngoài. Cristina Gerardis, 47 tuổi, chia sẻ: “Tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Ngay khi chính phủ cho phép các hộ kinh doanh mở cửa, điều đầu tiên tôi làm là lên lịch làm tóc và làm móng ở cửa hàng BAHR”.

Laura Foglia, một cựu người mẫu 70 tuổi sống tại Milan, cho biết: “Tôi phải chịu đựng mái tóc xoăn tự nhiên suốt 3 tháng trời. Tôi ghét tóc xoăn”. Bà Foglia chia sẻ bà nhớ thói quen làm đẹp hàng tuần, khi phải thực hiện lệnh phong toả.

Elisa Panteghini, 54 tuổi, đang thong thả lên lịch với bác sĩ thẩm mỹ để nâng mí mắt. “Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Tôi lại cảm thấy được tự do”, Elisa chia sẻ.

Luôn luôn cảnh giác

Tính đến ngày 19/5, Italy ghi nhận khoảng 32.000 ca tử vong do Covid-19, số liệu chỉ đứng sau Mỹ và Anh. Nước này đã vượt qua đỉnh dịch với số ca nhiễm và ca tử vong giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Italy là quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp đặt lệnh phong toả toàn quốc hôm 10/3, đồng thời là nước có lệnh phong toả dài nhất thế giới. Đến ngày 4/5, Italy mới mở cửa một vài cơ sở sản xuất và công viên.

Ngày 18/5 vừa qua đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống dịch của nước này. Chính phủ gỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế đi lại giữa các vùng, đồng thời cho phép nhà hàng, quán bar và các hộ kinh doanh mở cửa trở lại.

lam dep anh 4

Nhà hàng Goga ở Milan trang bị tấm chắn nhựa giữa các bàn ăn trong ngày mở cửa trở lại. Ảnh: The New York Times.

Chính phủ nước này cho biết sẽ mở cửa biên giới với châu Âu, cho phép người dân di chuyển và miễn phí thị thực trong khu vực từ ngày 3/6. Song giới chức vẫn tỏ ra khá thận trọng và sẵn sàng tái thiết lập tình trạng chống dịch.

“Chúng ta đang đối mặt với rủi ro một cách có tính toán”, Thủ tưởng Italy Giuseppe Conte tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 16/5.

Dù các số liệu về dịch giảm mạnh, “khuyến khích” việc nới lỏng, ông Conte khẳng định chính phủ vẫn luôn cảnh giác phòng trường hợp “đường cong dịch tễ tăng trở lại”.

Italy đánh giá cao thành công chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Bộ trưởng Ngoại giao Italy đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và bày tỏ cảm ơn về sự giúp đỡ Việt Nam dành cho Italy.

Số ca nhiễm virus của Brazil đã vượt cả Italy lẫn Tây Ban Nha

Số ca nhiễm virus corona của Brazil đến hết ngày 16/5 đã vượt qua Tây Ban Nha và Italy, những nơi từng là tâm điểm của đại dịch trên thế giới.

Cô gái bị bắt cóc được thả về nước nhưng gây tranh cãi ở Italy

Một cô gái Italy được trở về nhà sau 18 tháng bị bắt cóc làm con tin ở miền Đông châu Phi. Thay vì đáng mừng, sự việc này gây nhiều hoài nghi và tranh cãi.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm