Việc nhân viên cứu trợ Italy bị nhóm khủng bố ở Somalia bắt giữ làm con tin nay được trở về nhà dường như là tin vui ở quốc gia đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thông tin về việc chính phủ Italy đã trả một khoản tiền chuộc hàng triệu euro để đổi lấy Silvia Romano, 24 tuổi, đã dập tắt niềm vui này. Italy bị nghi ngờ đã trả tiền cho việc thả các công dân bị bắt cóc mặc dù họ đã chính thức phủ nhận điều này.
Cải sang đạo Hồi sau khi bị bắt cóc
Silvia Costanza Romano trở về quê hương hôm 10/5 sau 18 tháng làm con tin ở miền Đông châu Phi.
Cô kéo khẩu trang xuống và nở nụ cười sau khi bước ra khỏi máy bay của chính phủ Italy tại sân bay quốc tế Rome-Ciampino. Cô ôm ầm lấy mẹ và các thành viên khác trong gia đình và chạm vào khuỷu tay thay vì bắt tay với Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio.
Thủ tướng Giuseppe Conte đã cảm ơn các nhân viên tình báo Italy tham gia vào quá trình giải cứu cô.
Bạn bè và người quen trong khu phố ở Milan nơi gia đình cô Romano sinh sống đã vỗ tay từ cửa sổ, ban công và trên đường phố để chào mừng cô về lại nhà.
Silvia Costanza Romano (phải) nói chuyện với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khi cô đến sân bay quân sự Ciampino ở Rome hôm 11/5. Ảnh: AFP. |
Al-Shabaab, nhóm khủng bố Hồi giáo tại Somalia có liên kết với al-Qaeda, đã nhận trách nhiệm đứng sau việc bắt cóc Romano. Nhóm này tuyên bố sẽ dùng số tiền chuộc do chính phủ Italy trả để “mua vũ khí cho các cuộc thánh chiến", theo Politico.
Sự trở về của Romano cũng dẫn đến nhiều tranh cãi. Có nguồn tin cho rằng cô đã cải sang đạo Hồi. Khi bước ra khỏi máy bay ở Rome để gặp gia đình và Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 10/5, cô đã đội khăn trùm đầu (hijab) màu xanh.
Cũng từ đó, cô trở thành nạn nhân của những phát ngôn thù hận trên mạng, thậm chí cả những lời dọa giết, buộc cảnh sát phải bảo vệ nhà của gia đình cô.
Ngay cả linh mục của cô ở Milan, don Enrico Parazzoli, cũng nói rằng ông bị chỉ trích.
Những phát ngôn đầy thù ghét
Romano bị bắt làm con tin vào tháng 11/2018 tại thị trấn Chakama ở Kenya khi đang làm tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ Italy, Africa Milele. Cô bị bắt trong một cuộc tấn công của các tay súng.
Ali Dehere, phát ngôn viên của nhóm al-Shabaab, nói với tờ La Repubblica của Italy: “Chúng tôi đã làm mọi cách để cô ấy không đau khổ vì cô ấy là con tin, không phải là tù nhân chiến tranh”.
Giống như các con tin, cô ấy là một “món hàng quý giá”. Ông Dehere nói thêm rằng một phần tiền chuộc sẽ được dùng để “mua các vũ khí cần thiết cho các cuộc thánh chiến” và phần khác để “quản lý lãnh thổ của chúng tôi” - như trả tiền cho cảnh sát để duy trì trật tự và buộc mọi người phải tôn trọng các luật của Kinh Qur'an.
Theo truyền thông Italy, Romano đã nói với các nhà điều tra rằng cô “luôn được đối xử tốt” và "họ nói với tôi rằng tôi sẽ không bị giết và điều đó đã trở thành sự thật”.
Sự trở về sau 18 tháng bị bắt cóc của Silvia Romano gây tranh cãi. Ảnh: AP. |
Trong các cuộc thẩm vấn với cảnh sát, Romano nói rằng việc cô cải sang đạo Hồi là “sự lựa chọn miễn phí” sau một nửa thởi gian bị giam cầm.
Cô nói rằng mình đã yêu cầu một cái gì đó để đọc và được cung cấp một bản dịch tiếng Anh của Kinh Qur'an. Những kẻ bắt cóc cô đã dạy cô một chút tiếng Arab và giải thích tôn giáo và văn hóa của họ, cô nói. “Tôi bắt đầu đọc vì tò mò, rồi dần dần nó thành thói quen”.
Al-Shabaab đứng sau nhiều cuộc tấn công vào dân thường ở Kenya, bao gồm cả vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi năm 2013 khiến 71 người chết.
Massimo Giorgetti, nhà lập pháp khu vực của đảng Brothers of Italy cực hữu, đã viết trên Facebook: “Tôi có hài lòng về việc phóng thích Silvia Romano không? Không hề. Bây giờ chúng ta sẽ có thêm một người Hồi giáo nữa và mất 4 triệu euro”.
Những người khác cho rằng tiền chuộc khiến người Italy trở thành mục tiêu của các vụ bắt cóc. Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Brothers of Italy viết trên Twitter: “Các bạn không nên tạo tiền lệ rằng việc bắt cóc người Italy là một món hời”.
Trong khi đó, gia đình của cô gái nói rằng cô cải đạo vì sức ép khi phải làm một con tin. Domenico Quirico, một nhà báo Italy từng bị bắt cóc ở Syria, lập luận rằng "không điều gì xảy ra trong quá trình bị bắt cóc, trong lúc bị tước mất tự do bằng cách bạo lực, là hoàn toàn tự nguyện".