Trong một đoạn bình luận trên tờ Frankfurter Rundschau, Arno Widmann viết mặc dù Dante “đã đưa ngôn ngữ dân tộc lên một tầm cao lớn”, những học sinh Italy vẫn phải vật lộn để hiểu được câu ca cổ trong Thần khúc (The Divine Comedy) được viết vào năm 1320.
Điêu khắc Dante Alighieri được thực hiện bởi Enrico Pazzi tại Florence. Ảnh: Vincenzo Pinto / AFP / Getty Images. |
Trường ca Thần khúc được chia thành ba phần, ghi lại hành trình của một người hành hương qua hỏa ngục, luyện ngục, thiên đường, được viết bằng tiếng Tuscan bản địa để dễ tiếp cận với quần chúng, thay vì tiếng Latin. Lựa chọn của ông có tác động lớn đến các nhà văn vào thời điểm đó, phương ngữ Tuscan đã góp phần hình thành nền tảng cho tiếng Italy hiện đại, do đó nhà thơ được gọi là “cha đẻ của tiếng Italy”.
So sánh Dante với Shakespeare, Widmann đã viết: “Shakespeare […] hiện đại hơn nhiều năm ánh sáng so với nỗ lực của Dante để có quan điểm về mọi thứ, người đã đưa mọi thứ trước sự phán xét đạo đức của chính mình”.
Bài báo của Widmann trùng với thời điểm người Italy kỷ niệm Ngày Dante vào 25/3. Năm nay, nhiều sự kiện sẽ được tổ chức trên khắp Italy để kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà thơ.
Phản ứng gay gắt nhất đối với bài viết của Widmann đến từ Eike Schmidt, một nhà sử học nghệ thuật người Đức, Giám đốc Phòng trưng bày Uffizi của Florence, người đã mô tả nhà báo là "không biết gì" trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Schmidt nói: “Widmann khẳng định rằng tầm quan trọng của Dante đối với tiếng Italy không quá lớn, bởi vì trẻ em ở trường sẽ khó hiểu văn bản của anh ấy. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Ngoài một vài từ và một số khái niệm thần học, ngôn ngữ của Dante ngày nay vẫn hoàn toàn có thể hiểu được, không giống như những gì đã xảy ra với tiếng Anh hoặc tiếng Đức vào thế kỷ 14".
Bìa sách The Divine Comedy. Ảnh: Amazon. |
Bộ trưởng văn hóa Italy, Dario Franceschini, đã tweet một đoạn thơ từ Hỏa ngục để đáp lại: "Non ragioniam di lor, ma Guarda e passa" ("Chúng ta đừng suy ngẫm về họ, nhưng hãy quan sát và tiếp tục").
Luca Serianni, một nhà ngôn ngữ học người Italy và là Phó chủ tịch của Hiệp hội Dante Alighieri, nói với hãng tin Adnkronos rằng bài báo có “một cách tiếp cận trẻ con”.
Dante sinh ra ở Florence năm 1265, mất và được chôn cất ở Ravenna năm 1321.
Giáo hoàng Francis và Tổng thống Italy, Sergio Mattarella, đều đã bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà thơ để đánh dấu Ngày Dante. Giáo hoàng viết rằng Dante vẫn là một “nhà tiên tri của hy vọng và là nhân chứng cho khát vọng hạnh phúc của con người”.
Ông Sergio Mattarella nói: “Thần khúc vẫn thu hút chúng tôi, mê hoặc chúng tôi, khiến chúng tôi tự vấn vì nó nói về chúng tôi, về bản chất sâu xa nhất của con người, được tạo nên từ những yếu đuối, thất bại, cao thượng và hào hiệp”.