Vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông về cuộc biểu tình ở Indonesia là quy định cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Thế nhưng, theo BBC, bên cạnh việc phản đối dự luật đó, nỗi bức xúc của những người biểu tình trải rộng từ nạn tham nhũng đến những quy định mới coi việc xúc phạm tổng thống là phạm pháp, hay dự định thắt chặt những điều luật quy định tội báng bổ.
Việc bỏ phiếu về một số dự luật mới đã bị hoãn lại nhưng giới chức Indonesia lo ngại các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục.
Sinh viên biểu tình ở Jakarta. Ảnh: Reuters. |
Từ luật pháp đến bất ổn và cháy rừng
Các cuộc biểu tình liên tục nổ ra nhằm phản đối một đạo luật mới mà các nhà phê bình cho rằng có khả năng làm suy yếu cơ quan chống tham nhũng của Indonesia.
Đạo luật này đã được thông qua nhưng những người phản đối vẫn biểu tình kêu gọi chính quyền bãi bỏ. Ngoài ra, họ đã lên một danh sách dài các yêu cầu và bất bình khác.
"Biểu tình không phải chỉ vì một vấn đề riêng lẻ", ông Andreas Harsono thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Indonesia giải thích, "và nó cũng không phải là một phong trào thống nhất hoặc có tổ chức."
Sự tức giận của người dân nhắm vào dự thảo Luật Hình sự mới, vào quân đội ở khu vực bất ổn Papua và cả thất bại trong việc giải quyết triệt để các vụ cháy rừng ở Sumatra và Borneo đang gây ra khói mù độc hại phủ đen bầu trời Đông Nam Á.
Cảnh sát chống bạo động Indonesia bắn hơi cay để giải tán người biểu tình trong cuộc đụng độ bên ngoài Nhà Quốc hội ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 249. Ảnh: CNN. |
Trong nhiều năm qua, Indonesia đã lên kế hoạch cải tổ luật hình sự có từ thời nước này còn là thuộc địa của Hà Lan. Hiện nay, dự thảo luật mới đã hoàn thiện nhưng nhiều người cho rằng nó sẽ đưa đất nước “đi lùi” lại nhiều năm văn minh.
Luật mới cấm việc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Luật quy định người quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể bị phạt 1 năm tù, sống chung không có hôn thú sẽ bị phạt 6 tháng tù. Một điều luật khác quy định quan hệ tình dục đồng giới sẽ bị phạt 1,5 năm tù.
Luật Hình sự mới cũng đe dọa quyền tự do về sức khỏe tình dục và sinh sản khi quy định những người “không có thẩm quyền” (gồm cả cha mẹ và các tổ chức phi chính phủ) có thể bị phạt hành chính hoặc giam giữ nếu lan truyền thông tin về các biện pháp tránh thai hoặc kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Cuốn sổ tay Luật Hình sự Indonesia. Ảnh: Heinrich Boll Foundation. |
Việc phá thai đối với mọi phụ nữ, kể cả trường hợp khẩn cấp vì sức khỏe hoặc bị hiếp dâm, cũng bị hình sự hóa với hình phạt 4 năm tù giam (theo Điều 470).
Người vô gia cư, gồm cả phụ nữ và trẻ em, ở ngoài đường vào buổi đêm, sẽ bị phạt tiền.
Đồng thời, luật này quy định việc xúc phạm tổng thống là phạm pháp và mở rộng phạm vi quy tội báng bổ, vốn là một vấn đề rất nhạy cảm ở nước này.
Năm 2017, thống đốc Jakarta bị bỏ tù vì tội báng bổ trong một trường hợp mà nhiều người nhận thấy rõ sự thay đổi của Indonesia hướng tới một xã hội bảo thủ hơn.
Trong bài viết trên trang web của Quỹ Heinrich Böll, tác giả Margianta Surahman Juhanda Dinata viết rằng không chỉ là vấn đề tự do tình dục, cuộc biểu tình còn bảo vệ quyền của phụ nữ, công nhân, yêu cầu dự luật về bảo vệ người giúp việc và chống bạo lực tình dục được thông qua.
Trong khi đó, khu vực Tây Papua vốn hòa bình, yên tĩnh của Indonesia vừa trải qua một làn sóng bạo lực trong những ngày qua khi hàng trăm người biểu tình, chủ yếu là học sinh trung học, thiêu rụi nhiều tòa nhà.
Những đám cháy rừng cũng xảy ra ở khắp Indonesia, được châm lửa với mục đích khai thác đất canh tác nông nghiệp, khiến nhiều nơi trên đất nước vạn đảo bị bao trùm bởi làn khói dày đặc.
Một sinh viên bị thương do hơi cay đang được sơ cứu ở Jakarta ngày 25/9. Ảnh: CNA. |
Các cuộc biểu tình đã leo thang trên khắp nước cùng làn sóng phẫn nộ đối với chính phủ.
"Tại Kalimantan, đối tượng biểu tình chủ yếu là liên minh nông dân và người bản địa đang vật lộn với cháy rừng và khói độc", ông Harsono nói với BBC. "Ở Java, trọng tâm phản đối là tham nhũng, trong khi ở Papua là về phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền".
Vai trò của Tổng thống Widodo
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã vươn lên nắm quyền lực chính trị nhờ xây dựng hình tượng “người của nhân dân”.
Với xuất thân khiêm tốn, ông không hẳn là một chính khách điển hình, ở một đất nước mà lâu nay giới tinh hoa và thượng lưu vẫn nắm vai trò quan trọng về chính trị như Indonesia.
Và những kỳ vọng quá lớn có thể là lý do khiến càng nhiều người thất vọng về ông.
Người dân coi tham nhũng là một vấn đề nhức nhối và nhiều người kỳ vọng Tổng thống sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng cường vai trò của cơ quan chống tham nhũng.
"Có hai cách giải thích ở đây", ông Hanan phát biểu, "Hoặc tổng thống vẫn giữ thiện chí nhưng có quá nhiều áp lực đang bủa vây ông. Hoặc, đến giờ này, ông ta đang lộ rõ bản chất thật của mình và, sau tất cả, cũng chỉ là một chính trị gia tầm thường”."Tôi nghĩ rằng có thể là do cả hai".
Những cuộc biểu tình quy mô đến mức nào?
Đây là một trong những làn sóng biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ năm 1998 khi người dân đồng loạt tham gia biểu tình hạ bệ chế độ độc tài Suharto.
Hàng chục nghìn người đã xuống đường tham gia tuần hành trên khắp đất nước. Thủ đô Jakarta chỉ là một trong rất nhiều điểm nóng giữa làn sóng bất bình lần này.
Nhiều cuộc tuần hành đã bị cảnh sát can thiệp đàn áp bằng hơi cay và vòi rồng, cưỡng chế người biểu tình ném đá và bom xăng.
Một sinh viên đã chết vào ngày 26/9 sau cuộc đụng độ ở Kendari trên đảo Sulawesi. Hàng trăm người được cho là đã bị thương trong những ngày qua ở Jakarta.
Cảnh sát chống bạo động đối mặt với người biểu tình ở Makassar, Sulawesi vào ngày 24/9. Ảnh: CNN. |
Hàng trăm sinh viên đã bị bắt giữ trong các cuộc xung đột trên đường phố ở thủ đô và các thành phố khác trên cả nước.
Hầu hết các nhà quan sát cho rằng tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục, những người biểu tình kiên định yêu cầu luật mới về tham nhũng phải bị bãi bỏ.
Sau nhiều lần hứa hẹn sẽ có thay đổi, lần đầu tiên Tổng thống Widodo chính thức tuyên bố sẽ xem xét việc thu hồi luật.
Bên cạnh Luật Hình sự, các dự luật khác về khai thác, đất đai và lao động đều có rất nhiều điều khoản gây tranh cãi. Luật Lao động được cho có xu hướng thiên vị lợi ích của các doanh nghiệp lớn hơn quyền lợi của người lao động, Luật Khai thác bị chỉ trích ưu đãi thúc đẩy công nghiệp khai khoáng rút cạn tài nguyên thiên nhiên, Luật Đất đai vi phạm lời hứa về cải cách đất đai của Tổng thống Widodo khi ông nhậm chức.
Việc bỏ phiếu các bộ luật này đều đã bị hoãn lại, nhưng nhiều người lo ngại chúng có thể sẽ được thông qua vào tháng tới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong ngày đắc cử. Ảnh: SMH. |
Mọi sự chú ý đều đang đổ dồn vào tổng thống, người đầu năm nay vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai và chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/10.
"Dư luận hiện tại chính là ‘tòa án’ đang phán xét tổng thống," ông Hanan nói, "Công chúng quá phẫn nộ, nhiều người cảm thấy bị phản bội. Họ cảm thấy ông ta như quay lưng lại với người dân sau khi họ đã rất trung thành ủng hộ ông".