Chân dung
Trong đó, đỉnh cao của HLV Mai Đức Chung là tấm vé dự World Cup 2023 cùng tuyển nữ Việt Nam.
Chiến thắng 2-1 trước Đài Loan (Trung Quốc) đã giúp tuyển nữ Việt Nam trở thành một trong 7 đại diện đầu tiên có mặt tại World Cup 2023. Chiến thắng lịch sử của Huỳnh Như cùng đồng đội không phải thành quả nhất thời mà là đầu ra của quá trình chuẩn bị bài bản được ấp ủ nhiều năm. Tuyển nữ Việt Nam không ngừng mơ về World Cup và dưới sự chèo lái của HLV Mai Đức Chung, mộng lớn đã thành.
Với cá nhân HLV Mai Đức Chung, tấm vé lịch sử của tuyển nữ Việt Nam là nét chấm phá hoàn hảo trên dòng chảy huấn luyện vốn đồ sộ thành tích và không thiếu biến cố của ông.
Từ người đóng thế
HLV Mai Đức Chung có nhiều biệt danh từ Chung “Xe ca” (ông từng chơi cho đội xe ca Hà Nội) đến Chung “Gái” (huấn luyện đội tuyển nữ) nhưng nổi bật hơn cả là biệt danh “người đóng thế”, được giới chuyên môn đặt cho sau nhiều lần nắm vai trò HLV tạm quyền ở các cấp độ đội tuyển.
Sự nghiệp “đóng thế” của HLV Mai Đức Chung bắt đầu khi ông nắm đội tuyển nữ dự giải tiền SEA Games năm 1997 và giành chức vô địch, tạo ra nền tảng vững chắc cho tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 4 năm sau đó dưới thời HLV Steve Darby. Sau khi ông Darby rời đi bởi những khúc mắc với liên đoàn, ông Chung được bổ nhiệm trở lại ghế HLV trưởng rồi giúp tuyển nữ vô địch liên tục hai kỳ SEA Games 2003, 2005.
HLV Mai Đức Chung rời chức vụ sau đỉnh cao tại Philippines để bắt đầu nghiệp huấn luyện cấp độ CLB. Tiếp quản Bình Dương từ tay người bạn thân Lê Thụy Hải, ông Chung “Xe ca” lập tức làm nên kỳ tích khi đưa đội bóng vào bán kết AFC Cup 2009, thành tích tốt nhất trong lịch sử của một CLB Việt Nam ở sân chơi lục địa, thứ mà 10 năm sau đội Hà Nội mới làm được. Tại bán kết AFC Cup 2009, Bình Dương của ông Mai Đức Chung quật ngã Chonburi của Kiatisuk Senamuang, đội bóng được miêu tả như tuyển Thái Lan ở thời điểm đó.
Sau thành tựu rực rỡ ở Bình Dương, ông Chung còn tiếp tục làm việc tại Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa hay chính đội Bình Dương (2015). Ở đội bóng nào, ông cũng để lại dấu ấn riêng. Mùa trước, có nhiều tin đồn ông được CLB Hải Phòng theo đuổi.
Lên cấp đội tuyển, thành tựu của HLV Mai Đức Chung càng rực rỡ hơn.
Ông Chung vẫn được biết với sự cần mẫn, xốc vác, không ngại khó khăn bởi mỗi khi giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV trưởng có vấn đề, điện thoại ông Chung sẽ lập tức có cuộc gọi. Và chẳng bao giờ chiến lược gia sinh năm 1951 từ chối lời mời huấn luyện, dẫu chỉ trong vai trò tạm quyền không mấy người ưa thích.
HLV Mai Đức Chung có nhiều thành công cùng bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
HLV Mai Đức Chung không chỉ giỏi, mà còn duyên với chức vụ tạm quyền khi hết lần này đến lần khác gặt hái thành công. Năm 2008, ông cùng đội U23 Việt Nam đoạt cúp Merdeka trên đất Malaysia.
HLV Mai Đức Chung có lúc ngồi tạm quyền 1, 2 trận, có lúc dẫn dắt một vài giải đấu rồi… nghỉ. Lần tạm quyền gần nhất năm 2017 cũng là lần trớ trêu nhất khi ông Chung là người đầu tiên huấn luyện cả đội tuyển quốc gia nam và nữ Việt Nam cùng lúc. Số là khi ấy, HLV Mai Đức Chung đang dẫn dắt đội nữ, bất ngờ được cắt cử sang huấn luyện đội nam bởi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức sau SEA Games.
Ông chấp nhận ngồi chiếc ghế khi ấy không ai dám ngồi để rồi giúp tuyển Việt Nam thắng cả 2 trận trước Campuchia. Nhờ 6 điểm của ông Chung “Gái” mà sau đó, tuyển Việt Nam chỉ hòa 0-0 trước Afghanistan ở trận ra mắt của HLV Park Hang-seo là đủ để góp mặt tại vòng chung kết Asian Cup 2019, tạo đà tâm lý thuận lợi cho hàng loạt thành công sau này.
Chia tay vị trí tạm quyền, HLV Mai Đức Chung trở lại xây dựng bóng đá nữ và sau cùng đã tận hưởng quả ngọt ở điểm gần cuối của sự nghiệp cầm quân.
Người hùng bóng đá nữ
Duyên số đưa đẩy HLV Mai Đức Chung chịu cảnh long đong, bấp bênh với bóng đá nam nhưng tuyệt đối mát tay và hiệu quả khi làm bóng đá nữ. Ở thời điểm tiếp quản tuyển nữ Việt Nam năm 2016, ông Chung đối diện bài toán lực lượng nan giải: Đội hình được nhào nặn dưới tay HLV Trần Vân Phát đã chạm ngưỡng trình độ lại vừa trải qua cú sốc sau trận thua Thái Lan ở vòng play-off tranh vé đi World Cup 2015.
Nâng cấp sức mạnh cho tuyển nữ Việt Nam trong bối cảnh bóng đá nữ chưa được đầu tư, số đội chuyên nghiệp dự giải quốc gia đếm trên đầu ngón tay... là nhiệm vụ khó khăn. Song, HLV Mai Đức Chung, người giỏi ứng biến và xoay xở với nguồn lực hạn chế sau nhiều năm tạm quyền ở nhiều cấp độ, đã vượt khó xuất sắc.
Ông cùng tuyển nữ Việt Nam phế ngôi hậu của người Thái tại SEA Games 2017 rồi khiến đội bóng xứ Chùa Vàng hai lần ôm hận trong năm 2019 với 2 chiến thắng ở chung kết các giải khu vực. HLV Mai Đức Chung không chỉ xây dựng cho tuyển nữ lối chơi thực dụng, khoa học nhưng không kém phần uyển chuyển mà còn tạo ra nhiều lớp cầu thủ kế cận, giúp tuyển nữ Việt Nam luôn giữ được tính cạnh tranh.
HLV Mai Đức Chung kiên trì xây dựng nền móng thành công cho bóng đá nữ từ chiến thuật đến khâu tuyển chọn con người. Ảnh: Minh Chiến. |
Sau SEA Games 2019, ông Chung cùng ban huấn luyện cải tổ lực lượng, đưa nhiều cầu thủ trẻ lên đội một, thay thế lớp đàn chị như Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Hòa. Lần lượt Lương Thị Thu Thương, Ngân Thị Vạn Sự, Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Nguyễn Thanh Nhã... sau khi được HLV Mai Đức Chung tin tưởng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Một số cầu thủ như Thu Thương, Thanh Nhã còn chiếm suất đá chính ở một số trận, giúp tuyển nữ Việt Nam có thể tạo được hai đội hình với thực lực ngang bằng.
Ở Asian Cup nữ vừa qua, đội hình phụ với nhiều gương mặt trẻ của HLV Mai Đức Chung đã gây sốc khi cầm hòa tuyển nữ Trung Quốc sau hiệp một. Sau đó ít ngày, đến lượt đội hình chính đánh bại Thái Lan để tạo lợi thế ở loạt đá play-off. Tuyển nữ Việt Nam thi đấu liên tục mà không có dấu hiệu mỏi mệt dù nhiều cái tên mới khỏi Covid-19. Đó là nhờ quá trình xây dựng, gối đầu lực lượng suốt nhiều năm mà ông Chung thầm lặng tiến hành.
Sau tất cả, trái ngọt lớn nhất trong sự nghiệp của HLV Mai Đức Chung không còn là những lần tạm quyền chớp nhoáng, nơi ông là người hàn gắn, kế thừa, mà chiến lược gia Hà Nội đã có công trình của riêng ông. World Cup thành hiện thực là công trình được ông Chung “Gái” bền bỉ xây dựng từ khâu tuyển chọn con người khi đến theo dõi từng trận đấu, dạy dỗ từng cầu thủ, đến sự xốc vác và hy sinh khi dù ngày nắng cũng như ngày mưa, người thầy 71 tuổi luôn cần mẫn đứng trên sân bóng chỉ đạo tập luyện.
Ở cái tuổi nhiều đồng nghiệp đã nghỉ hưu, an hưởng tuổi già, HLV Mai Đức Chung vẫn mặc đồ thể thao, soạn giáo án, rồi cầm còi ra sân. Ông miệt mài nuôi giấc mộng World Cup cùng bóng đá nữ trong cái thiếu thốn và khó khăn trăm bề. Để đến hôm nay, bóng đá nữ Việt nam được nếm vị ngọt chiến thắng.
Hơn cả tình thương, đó còn là trách nhiệm đến cùng với sứ mệnh với bóng đá nữ mà số phận đã đưa đẩy để rồi mỉm cười với ông ở phía cuối con đường.