Theo AFP, thông tin đầu tiên về vụ mất tích là vào hôm 14/12 khi con trai của người đàn ông nói với truyền thông địa phương rằng anh nhận được tin nhắn từ cha báo về việc đang bị giam giữ khi đi qua hòn đảo nhân tạo, nơi đặt trạm kiểm soát của cảnh sát Trung Quốc đại lục, trên đường đến Macau.
Người đàn ông họ Trần đang di chuyển bằng xe buýt dọc theo mạng lưới cầu và đường dài hàng chục km nối Hong Kong với Macau và thành phố Chu Hải ở đại lục.
"Tin nhắn cuối cùng của ông ấy nói rằng 'Cha đã bị bắt'", người con nói với kênh Cable News.
Hòn đảo nhân tạo nằm trên đồng bằng sông Châu Giang, thuộc vùng biển Trung Quốc. Cảnh sát đại lục đã thiết lập một chốt kiểm tra tại đây vào tuần trước, với máy soi X-quang và kiểm tra nhận dạng khuôn mặt, chuẩn bị cho chuyến thăm Macau của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sở Di trú của Hong Kong nói với AFP rằng họ đã "nhận được yêu cầu giúp đỡ" liên quan đến một công dân đặc khu, người bị nghi là mất tích khi đi đến Macau qua cây cầu nối Hong Kong - Chu Hải - Macau.
Cây cầu nối Hong Kong - Chu Hải và Macau được coi là một thành tựu về mặt xây dựng. Ảnh: Reuters. |
Phát ngôn viên Sở Di trú cũng nói thêm rằng cơ quan này đã liên hệ với Văn phòng Thương mại Hong Kong tại Quảng Đông.
An ninh đang được thắt chặt tại Macau trước chuyến thăm của ông Tập để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm Macau được Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc.
Tuần trước, công an tỉnh Quảng Đông giáp biên giới Macau cho biết họ đã thiết lập một chốt kiểm tra an ninh trên hòn đảo nhân tạo để "tạo môi trường xã hội thuận lợi" cho lễ kỷ niệm.
Cục An ninh Hong Kong từ chối bình luận về việc họ có biết về sự xuất hiện của trạm kiểm soát mới trên cây cầu hay không.
Các phóng viên của AFP đi qua cây cầu vào tuần trước và thấy nó được kiểm soát bởi hàng chục sĩ quan phản ứng nhanh, được vũ trang đầy đủ. Hành khách đi xe buýt sẽ được kiểm tra hành lý, giấy tờ tùy thân và nhận dạng khuôn mặt.
Lễ kỷ niệm tại Macau diễn ra trong bối cảnh Hong Kong đang bị tê liệt bởi các cuộc biểu tình liên tiếp trong vòng 6 tháng qua.
Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hong Kong, Macau và Chu Hải được coi là thành tựu tầm cỡ về mặt xây dựng, nhưng cũng có những chỉ trích vì chi phí không được tiết lộ chính thức của nó. Các chuyên gia ước tính công trình tiêu tốn cả chục tỷ USD.
Một tuyến đường sắt cao tốc mới nối Hong Kong với đại lục cũng gây tranh cãi vì một phần của bến cuối ở quận trung tâm Cửu Long của Hong Kong lại được áp dụng luật pháp đại lục.