Ngày 9/6, hàng chục nghìn người ở Hong Kong đã xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, trong cuộc biểu tình lớn nhất đặc khu này 15 năm qua.
|
Theo đài phát thanh truyền hình Hong Kong RTHK, chính quyền đã huy động hơn 2.000 cảnh sát để đối phó với cuộc biểu tình ước tính thu hút hơn nửa triệu người tham gia. Người dân xuống đường phản đối dự luật có thể cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục để xét xử. |
|
Hong Kong là một trong hai đặc khu theo quy chế "một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc, với nền tư pháp độc lập. "Luật dẫn độ sẽ đe dọa trực tiếp đến các giá trị cốt lõi và luật pháp của Hong Kong", anh Kelvin Tam, 21 tuổi, một sinh viên ở London cho biết. "Nó sẽ xóa đi bức tường độc lập của nền tư pháp Hong Kong". |
|
Theo Reuters, với số người tham gia như vậy, đây sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất tại Hong Kong kể từ năm 2003, khi người dân phản đối chính quyền thông qua luật an ninh siết chặt hơn. Sau đó, dự luật này đã bị hoãn lại. |
|
Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 15h ngày 9/6 tại công viên Victoria. Cảnh sát buộc phải đóng cửa các ga tàu Wanchai và Mongkok trong nỗ lực kiểm soát đám đông trong vòng một giờ kể từ khi cuộc tuần hành bắt đầu. |
|
Những tiếng hô "Không dẫn độ sang Trung Quốc" vang lên trên khắp đường phố. Ngoài ra, người biểu tình cũng kêu gọi Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức. Bà Lâm đã điều chỉnh một số đề xuất nhưng không rút lại dự luật trên. |
|
Người biểu tình gồm đủ mọi tầng lớp, từ gia đình mang theo trẻ nhỏ trên xe đẩy đến những người già. Họ xuống đường trong tiết trời nóng nực 32 độ C. Có người mang theo máy phun nước để làm mát cho nhau. |
|
Sự phản đối dự luật lan rộng trong cộng đồng, kéo theo cả doanh nhân, luật sư cho đến sinh viên hay các nhóm dân chủ và tôn giáo. Nhiều người cho biết đây là lần đầu tiên họ xuống đường biểu tình. "Tôi đến đây để chiến đấu", một người đàn ông 78 tuổi họ Lai, ngồi xe lăn đến từ rất sớm, bày tỏ. |
|
Một người Hong Kong 30 tuổi, làm việc cho một ngân hàng toàn cầu, cho biết vẫn chưa rõ liệu chính quyền có thay đổi chính sách không nhưng tốt hơn là "nên làm gì đó hơn là không làm gì". "Ít nhất tôi sẽ trở thành một phần của lịch sử Hong Kong", anh nói. Anh từ chối tiết lộ danh tính vì sợ bị công ty kỷ luật. |
|
Các cuộc biểu tình vào ngày Chủ nhật cũng được lên kế hoạch tại 25 thành phố trên toàn cầu, bao gồm London, Sydney, New York và Chicago. Những người tuần hành đi qua các khu vực mua sắm và dân cư đông đúc của Hong Kong như vịnh Đồng La và Wanchai, tới trụ sở lập pháp viện Hong Kong. Các nghị sĩ dự kiến tranh luận về việc sửa đổi "Pháp lệnh phạm nhân bỏ trốn" của chính quyền vào ngày 12/6. |
|
Những thay đổi dự kiến sẽ đơn giản hóa thủ tục dẫn độ các nghi phạm bị truy nã sang các quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Macau và Đài Loan. "Đây là một đề xuất, hoặc một loạt đề xuất, sẽ giáng một đòn khủng khiếp... chống lại thượng tôn pháp luật, sự ổn định và an ninh của Hong Kong, vị thế của một trung tâm thương mại quốc tế vĩ đại", thống đốc người Anh cuối cùng tại Hong Kong, ông Chris Patten, cho biết. |
|
Những người phản đối đặt ra câu hỏi nghiêm túc về sự công bằng và minh bạch của hệ thống tòa án Trung Quốc. "Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe các quan điểm, ý kiến và vẫn để mở các đề xuất về việc cải cách chế độ mới", một quan chức Hong Kong ngày 9/6 cho biết. |
người hong kong biểu tình chống luật dẫn độ
Đài Loan
Trung Quốc
Anh
Pháp
luật dẫn độ sang trung quốc
biểu tình ở Hong Kong
người dân Hong Kong biểu tình