Theo Korea Times, các cộng đồng trên mạng xã hội Hàn Quốc bắt đầu kêu gọi tẩy chay sản phẩm từ những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, từ đồ điện tử đến đồ gia dụng và cả đồ ăn nhẹ.
Ngày càng nhiều thương nhân cũng tham gia chiến dịch "Tẩy chay Nhật Bản", cho biết họ sẽ không còn buôn bán hàng hóa đến từ Nhật Bản nữa.
Một trang web có tên "NoNo Japan" đã được lập ra vào ngày 11/7, những người tham gia nhóm này sẽ được tư vấn để tìm kiếm sản phẩm tương tự của Hàn Quốc hoặc nước khác, thay những sản phẩm Nhật Bản mà họ đang sử dụng.
Trang web bị tê liệt vào sáng 18/7 vì lượng truy cập quá lớn, dù hiện chỉ có khoảng 60 sản phẩm được đăng lên trang web này, người dùng hoàn toàn có thể đăng các sản phẩm khác.
Người dân Hàn Quốc trong một cuộc tuần hành phản đối Nhật Bản, căng thẳng ngoại giao hai nước bắt nguồn từ vấn đề đền bù lao động cưỡng ép trong Thế Chiến II. Ảnh: AP. |
"Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chia sẻ thông tin về các lựa chọn thay thế thay vì chỉ nói với mọi người về các sản phẩm nên tẩy chay", người lập ra trang web cho biết trên báo địa phương.
Cộng đồng trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc dành cho những người ưa thích du lịch Nhật Bản cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động của nhóm để thể hiện sự ủng hộ với lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Nhật Bản.
"Cộng đồng sẽ tạm thời ngừng hoạt động", admin của nhóm Japan Travellers Club cho biết trong một thông báo, không nói rõ việc đóng cửa sẽ kéo dài bao lâu.
Tổ chức của những chuỗi cửa hàng tiện lợi vừa và nhỏ ở Incheon cho biết các cửa hàng thành viên bắt đầu loại bỏ hàng hóa Nhật ra khỏi kệ hàng của họ vào hôm 18/7.
Trong khi đó, Uniqlo Hàn Quốc đã phải xin lỗi, một tuần sau khi CFO Takeshi Okazaki của Fast Retailing, đơn vị sở hữu Uniqlo, nhận định tác động của việc người tiêu dùng Hàn Quốc tẩy chay thương hiệu sẽ "không kéo dài lâu".
Trước đó, Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu 3 mặt hàng thiết yếu để sản xuất sản phẩm công nghệ của Hàn Quốc, điều được cho là sẽ làm khó những nhà sản xuất Hàn Quốc trong bối cảnh nhu cầu và giá thành sản phẩm đang sụt giảm trên toàn thế giới.
Sự trả đũa về kinh tế diễn ra khoảng 8 tháng sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết rằng các công ty Nhật Bản, bao gồm tập đoàn Mitsubishi, phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy trước và trong Thế chiến II.