Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hàn Quốc chán ngán vì 'mật độ phủ sóng' của Triều Tiên

Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi Triều Tiên "chiếm sóng" truyền thông quá nhiều trong kỳ Olympics mùa đông năm nay, nhất là những người dân nước chủ nhà Hàn Quốc.

Jayine Chung cho hay cô cảm thấy chán nản mỗi khi bật tivi những ngày này. Người phụ nữ 33 tuổi làm việc trong ngành truyền thông ở Seoul thường xuyên hợp tác với các nhà báo nước ngoài tới thăm bán đảo Triều Tiên để đưa tin về mối quan hệ liên Triều.

"Tất cả những gì tôi thấy là người Triều Tiên, Kim Jong Un và Kim Yo Jong", Chung nói với Korea Herald. "Cũng quan trọng như việc hòa giải và hòa bình giữa hai nước, tôi thấy cần có sự cân bằng khi truyền thông đưa tin".

Olympics mua dong 2018 anh 1
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đón tiếp em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rất nhiệt tình. Ảnh: Reuters.

Không rõ liệu Chung và ý kiến của cô thuộc về đa số hay thiểu số ở Hàn Quốc. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng toàn bộ kỳ Olympics mùa đông năm nay đã được bao phủ bởi những vấn đề liên quan đến sự tham gia của Triều Tiên chứ không phải là sự kiện thể thao tại Pyeongchang.

Sự cường điệu của truyền thông là điều không bất ngờ. Trong vài ngày qua, Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tới Hàn Quốc, các vận động viên hai miền trên bán đảo Triều Tiên cùng sánh bước dưới một lá cờ trong lễ khai mạc Olympics, đội khúc côn cầu nữ trên băng Hàn - Triều thống nhất lần đầu được thành lập.

Một số chính trị gia phe đối lập chỉ trích việc Triều Tiên tham dự Olympics bằng cách gọi sự kiện năm nay là "Olympics Bình Nhưỡng".

Họ tuyên bố rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chính phủ của ông đang tặng sự chú ý cho Triều Tiên thay vì đất nước, và quan trọng hơn cả là các vận động viên Hàn Quốc.

Chiến lược mới của Triều Tiên: Ngoại giao nữ văn công Xuất hiện trong phái đoàn Triều Tiên đi "tiền trạm" Olympics tại Hàn Quốc, nữ văn công Hyol Song Wol đại diện cho một khía cạnh khác những gì thường thấy từ Bình Nhưỡng.

Ai xứng đáng được chú ý?

"Tôi nghĩ tâm trí của chính phủ hiện nay vẫn đang nằm ở những năm 1980", Park Ji Hyun, một y tá 31 tuổi ở Seoul, cho biết.

"Bằng việc hướng sự chú ý vào những thứ như cờ thống nhất hai miền, họ làm cho mọi thứ giống như thể người Hàn Quốc đang mong mỏi thống nhất với Triều Tiên một cách tuyệt vọng. Điều đó chắc chắn không đúng, và người dân ở đất nước này còn có những vấn đề thường nhật khác để quan tâm hơn là Olympics".

Park nói cô đặc biệt thất vọng bởi quyết định cuối cùng của chính phủ Hàn Quốc trong việc thành lập đội khúc côn cầu nữ với vận động viên cả hai miền để tranh tài tại sự kiện thể thao này. Một số vận động viên Hàn Quốc có thể bị cắt khỏi đoàn hoặc ít được thi đấu hơn bởi sự tham gia của các vận động viên Triều Tiên.

"Tôi nghĩ rằng chính phủ đã rất thiếu tôn trọng các vận động viên Hàn Quốc, những người phải chịu hậu quả bởi quyết định của họ", cô nói. "Cá nhân tôi không biết nhiều về hockey và không có ý định theo dõi bộ môn đó. Nhưng nếu có điều gì, hoặc nhân vật nào xứng đáng được chú ý trong kỳ Olympics này, tôi nghĩ đó phải là các vận động viên chứ không phải Kim Yo Jong".

Olympics mua dong 2018 anh 2
Các cô gái đội cổ vũ Triều Tiên trong lễ khai mạc Olympics mùa đông 2018. Ảnh: Getty.

Không có nhiều thứ để thể hiện

Kim Yeong Jun, một chuyên gia kỹ năng phát triển 32 tuổi sống tại Seoul cũng chia sẻ quan điểm với Park. Tuy nhiên, anh cho biết mình hiểu lý do của tổng thống và việc truyền thông bao quát sự kiện này thế nào.

"Tôi nghĩ nó chỉ cho thấy chúng ta, những người Hàn Quốc, có quá ít thứ để thể hiện cho thế giới trong một sự kiện như Olympics mùa đông.", Kim nói với Korea Herald.

"Thực sự thì chúng ta có gì? Điện thoại thông minh và K-pop, và chỉ thế. Truyền thông nước ngoài thích nói về Triều Tiên, còn chúng ta thì không có gì hơn thế. Tôi đoán tổng thống không có nhiều lựa chọn. Và thành thực mà nói thì việc làm cho Olympics thú vị ngày nay đối với bất kỳ quốc gia nào cũng là thách thức. Chúng ta sống trong thời đại mà xem YouTube thú vị hơn nhiều việc ngồi theo dõi các môn thi đấu Olympics".

"Mỗi khi tôi đọc về Hàn Quốc trên truyền thông nước ngoài, tôi có cảm giác mình đang không sống ở đất nước mà họ nói tới", một nữ nhân viên văn phòng 34 tuổi họ Choi nói.

"Luôn luôn có độ vênh giữa thực tế và phản ánh của truyền thông. Cuộc sống của tôi là những buổi thuyết trình tại cơ quan, hóa đơn tín dụng và kế hoạch đi du lịch Nam Mỹ. Nhưng trên thời sự quốc tế, cứ như thể tôi đang sống ở một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới vậy. Đôi khi tôi thực sự bối rối, liệu tôi có điên rồ không khi chẳng quan tâm đến những vấn đề liên Triều, bao gồm Olympics?".

Olympics mua dong 2018 anh 3
Vận động viên hai miền trên bán đảo Triều Tiên bước dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Olympics tại Pyeongchang. Ảnh: Getty.

Con dao hai lưỡi

Haeryun Kang, biên tập viên của Korea Exposé, cho hay mối quan tâm của cô đối với Olympics đã tăng đáng kể bởi sự tham dự của Triều Tiên, bởi có "những nhân vật đột nhiên sống động" như Kim Yo Jong, "khiến cho diễn biến quanh kỳ Olympics thêm phần thú vị".

"Đúng là Triều Tiên được truyền thông ưu ái, và đây rõ ràng là con dao hai lưỡi", cô nói. "Một mặt, nó làm xao nhãng sự chú ý tới những vận động viên và các môn thể thao không liên quan tới Triều Tiên, và tạo cảm giác bối cảnh Olympics từ Hàn Quốc và PyeongChang chuyển sang Triều Tiên. Nhưng mặt tốt lại là hiệu quả PR".

"Để PR, người ta chỉ quan tâm đến mọi câu chuyện ấn tượng và đáng nhớ có thể ghi dấu ấn với công chúng. Và theo khía cạnh này, Triều Tiên là một món quà".

Tuy nhiên, Jayine Chung vẫn hoài nghi về việc tác nghiệp của truyền thông trong kỳ Olympics mùa đông này.

"Rốt cuộc, chẳng phải Olympics được coi là sự kiện phi chính trị sao?", cô nói.

Olympics mùa đông: Khi Thế vận hội phô bày hố sâu ngăn cách Hàn Quốc muốn Olympics mùa đông tại PyeongChang sẽ là kỳ "thế vận hội hòa bình" giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng khoảng cách 2 miền bán đảo ngày càng xa.

Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm