Năm 2002, lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) được phục dựng với sự tham gia của 32 “ông cầu”. Từ đó, người dân nơi đây coi nuôi trâu chọi như một thú chơi. Sau khi lễ hội kết thúc vào tháng Giêng, các “tay chơi” lại lên đường tìm kiếm chú trâu cho mùa chọi mới. |
Là người có kinh nghiệm chơi trâu chọi, anh Dương Văn Hà đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ để tìm trâu. Sau 3 chuyến, anh mới mua được con "sừng càng" với giá 100 triệu đồng. Theo anh Hà, con trâu này hội tụ được nhiều yếu tố như: To cao, cổ rộng, lông đen tuyền, chân vững chãi, móng chân khép, sừng to dài, mắt lỳ lợm. |
Anh Hà Văn Thiết cũng phải đi lùng cả tháng, bỏ ra 200 triệu đồng để mua được "Min". Con trâu này nặng 1,2 tấn có nguồn gốc Myanmar. Vì là trâu rừng lai trâu nhà nên nó hung dữ, có thể hình to lớn. |
Sau khi mua được trâu, các ông chủ phải làm thủ tục đăng ký với ban tổ chức lễ hội để xin mã số. Từ đó, trâu tuyệt đối không được chọi. Chúng được tiêm phòng lở mồm long móng, uống thuốc chống giun sán, vỗ béo và luyện tập chờ ngày quyết đấu. |
Mỗi còn trâu được nuôi thêm 1-2 năm. Thức ăn chính của trâu là cỏ voi. Băm nhỏ cỏ, thân cây ngô và trộn cám, muối để lên men, anh Hán Văn Quyết nói loại thức ăn này sẽ giúp trâu có đầy đủ dinh dưỡng. Một số gia đình khác nấu cám và cho trâu uống thêm bia vào mùa hè. |
Mỗi ngày 2 lần, trâu chọi được dắt đi "luyện võ" lúc 5h và 17h với 3 bài cơ bản là húc đất, lội bùn và "lườm" đối thủ. |
Bãi cỏ bên cạnh đấu trường là nơi tụ hội của những “ông cầu”. Khi thấy đối thủ, những con trâu to béo ngẩng cao đầu, đi vòng vòng vờn nhau. Chủ trâu phải buộc giây giữ lại. Chúng không được đánh nên ngày càng hăng máu. |
Giáp Tết là lúc người nuôi đưa trâu vào sới để làm quen. Trên các chuồng trâu, cờ hội bay phấp phới. Dưới sân đấu, chiếc loa phát to tiếng trống, mõ, tiếng hò hét như đang diễn lễ hội để các “ông cầu” làm quen với không khí hội chọi. |
Chuồng trâu được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày, bên dưới lót thảm bằng cao su để "ông cầu" không bị đau chân. Trước đây, người nuôi trâu chọi hay mắc màn chống muỗi. Gần đây, họ chuyển sang xịt thuốc. |
Mỗi buổi chiều, trâu chọi được đằm rồi tắm lại bằng nước sạch. Ngoài tiền đầu tư ban đầu, mỗi chủ trâu còn tốn nhiều chi phí mua thức ăn và đóng các khoản ủng hộ thôn, ủng hộ ban tổ chức, làm cơm mời thôn xóm... Tổng chi phí chăn nuôi một con trâu chọi vào khoảng 200-300 triệu đồng. |
Kỳ công và tốn kém là thế nhưng mỗi con trâu chỉ tham gia chọi tối đa 2 ngày. Sau đó, thắng hay thua, trâu đều bị mổ để cúng thần linh và bán thịt. Năm ngoái, do bùng phát dịch Covid-19, lễ hội chọi trâu Hải Lựu bị hoãn. Khả năng tổ chức lễ hội năm nay vẫn đang bỏ ngỏ. |