Sở Nông nghiệp và Phát triển thành phố Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hơn 12.000ha diện tích trồng rau an toàn, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã, với trên 40 loại, tập trung chủ yếu ở vụ Đông xuân. Năng suất rau trung bình đạt từ 9-12 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 570.000 tấn/năm, tương đương 1.560 tấn/ngày.
Theo số liệu rà soát, đến tháng 7/2013, thành phố có hơn 60 cửa hàng bán rau an toàn, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50-120kg/cửa hàng/ngày. Có 35 siêu thị đang kinh doanh rau an toàn, sản lượng trung bình từ 80-200kg/ngày. Thời gian qua, để đa dạng hóa hình thức cung ứng, giảm chi phí trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm, đưa rau an toàn tới tay người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Sàn giao dịch rau, quả và thực phẩm an toàn thí điểm mở các điểm phân phối rau an toàn tại các khu dân cư, cơ quan.
Rau sạch Hà Nội được bày bán tại các siêu thị. |
Ngoài ra, còn có 15 doanh nghiệp đang tham gia sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố, với sản lượng tiêu thụ trung bình 500-700kg/doanh nghiệp/ngày, cao từ 2.000-3.000kg/ngày. VThành phố cũng có 25 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, với sản lượng tiêu thụ trung bình từ 200-300kg/ngày, cao từ 800-1.000kg/ngày.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm rau an toàn, từ tháng 9/2012, đơn vị này đã triển khai thí điểm dán tem nhận diện “rau an toàn Hà Nội” cho các điểm bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ. Hiện có 21 cơ sở tham gia thí điểm dán tem loại này.
“Sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất do được tiêu thụ ổn định hơn nên đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần sản xuất lúa, ngô và một số cây ngắn ngày khác. Theo kết quả thống kê, tại một số vùng sản xuất rau an toàn tập trung, tổng thu nhập trung bình từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, nơi cao đạt 700-800 triệu đồng/ha/năm như Văn Đức, Lĩnh Nam, Thanh Đa…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết.