“Hiện thời gian trung bình để bán một căn hộ tại Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một tuần. Nhiều khách đã mạnh dạn xuống tiền để mua bất động sản ở thực. Những căn hộ dưới 4 tỷ đồng liên tục được khách hỏi mua, kể cả đó là căn hộ cũ”, chị Nguyễn Thị Quỳnh, một môi giới viên tại Hà Nội chia sẻ.
Theo chị Quỳnh, tháng 3 năm nay là khoảng thời gian tất bật của nhiều nhân viên môi giới. Đây là điều hoàn toàn trái ngược khi so với quý IV năm ngoái, thời điểm mà chị cùng nhiều đồng nghiệp khác hiếm khi nhận được yêu cầu đi xem nhà.
Những tín hiệu khởi sắc của ngành địa ốc
Sự khởi sắc của thị trường đã được thể hiện qua không khí bán hàng tại các sàn giao dịch. Khác với vẻ đìu hiu của năm ngoái, bà Trần Thúy Hà, Giám đốc kinh doanh của Vietstarland, cho biết chỉ riêng trong tháng này, công ty đã giao dịch thành công 50 căn chung cư và 5 biệt thự. Thậm chí, thị trường đã ghi nhận giao dịch lên tới 65 tỷ đồng.
Các căn hộ chung cư nhận được nhiều sự quan tâm của người mua. Ảnh: Việt Linh. |
Không khí tại văn phòng làm việc cũng đã có sự thay đổi. Bà Hà cho biết trước đó, nhiều nhân viên môi giới đã nghỉ việc giai đoạn gần Tết Nguyên đán. Trong 2 tháng đầu năm, lượng nhân sự quay lại làm việc vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong tháng 3 khi nhiều môi giới viên cảm thấy những tín hiệu tích cực từ ngành bất động sản.
Theo Batdongsan, mức độ quan tâm và lượng tin đăng trong tháng 2/2023 đã tăng lần lượt 75% và 108% so với tháng trước. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm nay, chung cư là loại hình bất động sản duy nhất có mức độ quan tâm tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chung cư trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) đều là phân khúc được người mua chú ý nhiều nhất tại cả Hà Nội và TP.HCM.
Trong đó, chung cư trung cấp giá khoảng 30-50 triệu đồng/m2 là phân khúc được người mua chú ý nhiều nhất. Một số nhà đầu tư sẵn tiền mặt đang tranh thủ mua vào khi giá bán đang ở mức tốt. Ghi nhận từ thực tế, 50 căn chung cư thuộc một dự án ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa được một nhà đầu tư mua cùng lúc.
“Tình hình có thể sẽ còn tốt hơn trong quý II năm nay. Hiện lượng nhà đầu tư đi xem dự án tương đối nhiều, không chỉ chung cư mà còn biệt thự, nhà phố. Có nhóm môi giới đã đón cả chục lượt khách trong một ngày”, bà Hà cho biết. Trong đó, chung cư có giá khoảng 2-3 tỷ đồng, hạ tầng tiện ích đầy đủ được khách hàng săn đón nhiều nhất.
Bên cạnh các dự án thương mại, các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội lại ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản, cho biết “Một dự án nhà ở xã hội ở đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới chỉ mở bán mấy trăm căn. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã nhận về lượng hồ sơ lên tới cả chục nghìn đơn”.
Bà Hà nhận định: “Nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền ở thời điểm này vì họ cảm thấy an tâm khi Nhà nước đã có động thái giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các thông tin về Luật Đất đai (sửa đổi) cùng những quyết sách tháo gỡ về trái phiếu của Nghị định 08 cũng góp phần không nhỏ trong việc chấn hưng thị trường”.
Cần khơi thông nguồn cung
Theo các chuyên gia, các chính sách của Nhà nước đối với thị trường địa ốc cũng đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính đặc biệt đánh giá Nghị định 08 đã giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm cơ hội để đàm phán, giải quyết vấn đề, thay vì những cuộc kiện cáo và đi đến kết cục phá sản. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vấn đề cốt lõi của thị trường là tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn cung.
Lãi suất cho vay "hạ nhiệt" đã thúc đẩy động lực mua nhà của nhiều người. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, ông cũng đánh giá Nghị định 10 sẽ giúp vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi Nhà nước sẽ chứng nhận quyền sở hữu công trình đối với người mua. Động thái này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng các cơ quan chưa có các biện pháp tháo gỡ cụ thể để giải quyết những vướng mắc về mặt chính sách của doanh nghiệp. Điều này khiến cho nguồn cung của thị trường vẫn chưa lớn bằng mọi năm.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), trong quý I/2023, nguồn cung mới mở bán ở các khu vực nhìn chung đều khan hiếm, chủ yếu đến từ các giỏ hàng cũ.
Cụ thể, thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng) chỉ có khoảng 500 sản phẩm, giảm 92% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 15%.
Tương tự, TP.HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) có nguồn cung mới đạt 2.000 sản phẩm, giảm 67% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ ghi nhận ở mức 20%.
“Hiện nay nhiều môi giới viên vẫn không có hàng để bán. Nhà nước cần tháo gỡ các vướng mắc về chính sách để các dự án được phê duyệt. Từ đó giúp chủ đầu tư đưa hàng ra thị trường. Khi ấy, lượng giao dịch mới tăng trở lại, nhân viên môi giới mới có cơ hội việc làm nhiều hơn”, ông Đính bình luận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.