Trao đổi với Zing.vn về những sự cố như sập cần cẩu, thanh dầm nặng gần 600 kg rơi xuống đường trong giờ cao điểm tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân trong các vụ việc nghiêm trọng này.
Nhắc lại vụ tai nạn vào tháng 11/2014 khiến một người chết, hai người bị thương và vụ sập giàn giáo khi đổ bêtông vào tháng 12/2014 tại công trường tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sự mất an toàn với tần suất cao như vậy là không thể chấp nhận.
PGS TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Kiều Vui |
Ông Hùng nhận xét, những sự cố liên tiếp xảy tra tại các dự án đường sắt đô thị cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động còn bị xem nhẹ.
"Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi, phải chăng các đơn vị thi công coi thường tính mạng của người khác, coi thường luật pháp cụ thể là các quy định về an toàn lao động? Vì sao sau mỗi sự việc xảy ra, các đơn vị có liên quan lại hứa, lại nhận trách nhiệm, nhưng rồi lại xảy ra tai nạn?", tiến sĩ Hùng nói.
Cũng theo ông, dù mấy sự cố gần đây không gây hậu quả về người, song thực chất đó đều là các tai nạn nghiêm trọng. Chúng gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bất an trong xã hội; đặc biệt với người dân trong khu vực công trường thi công và những người thường xuyên phải lưu thông trên các tuyến đường có dự án.
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới sự cố sập cần cẩu tại công trường thi công tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguyên nhân chính thức cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng những tai nạn này thường do thiết bị không được kiểm định đúng quy trình hoặc do yếu tố chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Theo quy định, các loại cần cẩu hoạt động ở công trình đều phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới hoạt động. Đối với loại cần cẩu bánh xích, bánh lốp như trong vụ sập cần cẩu chiều 12/5, cứ 6 tháng phải kiểm định an toàn một lần.
Khi vận hành cẩu, thiết bị nâng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được kiểm định kỹ thuật an toàn đạt yêu cầu và đăng ký sử dụng theo đúng quy định. Những người vận hành cần cẩu phải hội tụ các điều kiện hiểu biết về kỹ thuật, sức khỏe.
Cũng theo vị chuyên gia này, tính mạng của con người là vô giá. Không thể để tai nạn xảy ra rồi thương lượng, bồi thường rồi cho qua.
“Người dân không thể đặt tính mạng của mình vào sự may rủi. Đơn vị thi công không thể dùng tiền để xử lý mọi việc. Vì thế cần xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan tới các sự cố nghiêm trọng này", nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng khẳng định.
Tiến sĩ Hùng cho biết, với những hạng mục công trình vừa thi công vừa khai thác như tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, khi đưa vật nặng lên cao hoặc thực hiện các khối lượng công việc lớn, đơn vị cần có thêm biện pháp đảm bảo an toàn cho cả công nhân và người dân xung quanh.
Các đơn vị phải rào chắn khoanh vùng và có cảnh báo với người đi đường chắn để đảm bảo an toàn. Đơn vị thi công phải làm các giàn đỡ ở trên để nếu thép có rơi xuống thì sẽ không bị văng ra chỗ khác, gây nguy hiểm. Họ cũng phải chọn thời điểm phù hợp như thi công vào ban đêm, tránh giờ cao điểm.