Ngày 27/2, chị Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) đi 4 hiệu thuốc dọc đường Tôn Thất Tùng thuộc quận Đống Đa mới mua được một chai nước muối sinh lý và thuốc ho cho người bạn bị dương tính với Covid-19.
"Không ngờ mặt hàng này cũng cháy hàng hơn kit test Covid-19, hiệu thuốc nào cũng thông báo hết sạch. May mắn một hiệu thuốc lớn có bán với giá 5.000 đồng/chai", chị nói.
Thực tế, hiện nay khi Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm cao nhất, vượt 10.000 ca trong một ngày, nhu cầu mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 tăng đột biến kéo theo hiện tượng tăng giá, khan hàng.
Chật vật mua thuốc
Theo khảo sát của Zing tại nhiều hiệu thuốc ở Hà Nội nằm trên phố Vũ Trọng Phụng, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Quý Đức, Phương Mai không chỉ khan mặt hàng kit test nhanh Covid-19 mà còn “cháy hàng” đối với một số loại thuốc hạ sốt, thuốc ho, siro ho, kẹo sát khuẩn họng, nước muối sinh lý, vitamin C...
Ngày 28/2, tại một số cửa hàng thuốc quanh khu vực chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) đều thông báo hết mặt hàng nước muối sinh lý, kit test Covid-19, máy SpO2...
Các hiệu thuốc luôn trong tình trạng “cháy hàng” kit test Covid-19. Ảnh: T.T. |
"Đa số khách hàng những ngày gần đây đều hỏi mua kit test Covid-19, nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc điều trị Covid-19. Sức mua tăng vọt nên cửa hàng hết tạm thời một số mặt hàng", nhân viên hiệu thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng chia sẻ.
Vừa mua 5 chai nước muối sinh lý, chị Nguyễn Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết chị vừa đi 3 cửa hàng mới có một nơi bán. "Trong khi đó thuốc ho Terpin codein vẫn chưa mua được, tôi đành phải mua loại khác thay thế. Mấy ngày nay liên tục đi mua thuốc giúp người thân, bạn bè bị F0 nhưng rất khổ sở vì phải đi nhiều hiệu thuốc mới mua đủ", chị nói.
Tương tự, anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết anh vừa đi 2 cửa hàng nhưng không nơi nào có thuốc xịt họng Xuyên Tâm Liên nên đành phải mua kẹo sát khuẩn họng với giá 36.000 đồng/2 vỉ thay thế tạm thời.
"Vì nhu cầu người mua tăng đột biến nên nhà thuốc hết hàng. Chấp nhận giá cao nhưng chúng tôi cũng khó nhập hàng được về nhiều để bán", chị Nguyễn Thị Hòa - chủ một hiệu thuốc trên địa bàn quận Đống Đa thừa nhận.
Thuốc Molnupiravir loạn giá trên chợ mạng
Sau 4 ngày thuốc Molnupiravir do Việt Nam sản xuất chính thức được bán trên thị trường. Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, các quy định mua thuốc này đã được nới lỏng. Theo đó, khách hàng chỉ cần có đơn thuốc của bác sĩ, giấy xác nhận F0 điều trị tại nhà của phường, giấy xét nghiệm PCR hoặc video xét nghiệm có kết quả dương tính là có thể mua thuốc.
Tuy nhiên, trên chợ mạng, người mua lại không cần giấy tờ chứng minh mình là F0 cũng có thể mua thuốc Molnupiravir do Việt Nam sản xuất. Một tài khoản tên Nguyễn Nhung rao bán thuốc Molravir 400 do Công ty cổ phần Dược phẩm Boston sản xuất với giá 299.000 đồng/hộp.
Một bài đăng bán thuốc chữa Covid-19 trong hội nhóm. |
Trong khi đó, cùng một loại thuốc nhưng người khác lại rao bán 350.000 đồng/hộp kèm theo tư vấn ngày uống 2 viên/1 lần, dùng tối đa 5 ngày sẽ âm tính. Ngoài ra, các loại thuốc điều trị Covid-19 của Nga được quảng cáo nhiệt tình, có thể đặc trị Covid-19, chỉ sau 3-4 ngày xét nghiệm về âm tính.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), người trực tiếp tư vấn, điều trị cho F0 tại nhà nhấn mạnh: "Thuốc Arbidol chưa được cấp phép, đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua đường xách tay".
Về bản chất, Arbidol khá lành tính, được sử dụng để phòng cúm hoặc các bệnh nhiễm virus qua đường hô hấp. Tuy nhiên, tác dụng phòng, chống Covid-19 của thuốc này chưa rõ ràng. Vì thế, người dân không nên quá kỳ vọng, lạm dụng loại thuốc này để phòng bệnh.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, UBND Hà Nội yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố cùng các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về giấy phép, đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế...
Thực hiện chỉ đạo, trong ngày 25/2, lực lượng quản lý thị trường đã tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, phát hiện thu giữ hơn 5.000 kit test Covid-19 và 600 máy đo nồng độ oxy trong máu có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, ngày 23/2, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện, tạm giữ 480 thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại thuốc chưa được cấp phép sử dụng điều trị Covid-19 tại Việt Nam).