Một tờ rơi ở Los Angeles, có logo giả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyên mọi người tránh xa các cửa hàng của người Mỹ gốc Á như Panda Express. Một học sinh trung học người Mỹ gốc Á tại Los Angeles bị đánh và phải nhập viện sau khi bạn bè nói cậu nhiễm virus corona.
Hơn 14.000 người ký đơn đề nghị các trường ở khu vực Alhambra đóng cửa vì lo ngại virus, mặc dù chỉ có một ca nhiễm ở hạt Los Angeles có dân số 10 triệu người.
Đó là những sự vụ mà chính quyền Los Angeles đã lên án vào ngày 13/2 để dẹp đi sự kỳ thị chống người gốc Á đang nổi lên ở bang California, nơi có hơn một nửa trong số 15 ca nhiễm của Mỹ.
Kỳ thị “từ New York tới New Mexico”
Các vụ việc kỳ thị người Mỹ gốc Á, có cả hành hung, đã được ghi nhận từ New York tới New Mexico, xuất phát từ nỗi lo không có cơ sở rằng người Mỹ gốc Á liên quan tới virus corona chủng mới lây lan từ Trung Quốc.
Bang California đang cố gắng “đón đầu” làn sóng kỳ thị này trước khi chúng lan rộng, vì là bang có cộng đồng người gốc Á lớn nhất trong các bang ở Mỹ.
“Chúng tôi sẽ không để yên cho sự thù ghét”, một quan chức Los Angeles nói với phóng viên, và kêu gọi người dân tố cáo các sự vụ như vậy.
Biện pháp bảo vệ và chống lây lan là mang khẩu trang lại bị hiểu lầm là nhiễm bệnh ở Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Những định kiến nhắm vào người gốc Á, cộng thêm các hình ảnh dịch bệnh từ Trung Quốc, đã khiến nỗi sợ hãi lan rộng. Sự kỳ thị có thể sẽ tệ hơn trong những tuần và tháng tới nếu số ca nhiễm ở Mỹ tiếp tục tăng, theo Reuters.
Khẩu trang vốn được đeo phổ biến ở một số nước châu Á để phòng khói bụi cũng như để tránh lây bệnh cho người khác, bỗng trở thành lý do khiến người gốc Á bị chú ý ở Mỹ. Những người đeo khẩu trang đã bị lăng mạ, tấn công.
Giới chức khuyến khích người dân lên tiếng mỗi khi thấy chuyện đó xảy ra với người khác.
Trước đó, một đoạn video gây sốc đăng lên Twitter hôm 4/2 cho thấy một người đàn ông tấn công một phụ nữ châu Á đeo khẩu trang tại ga tàu ở quận Manhattan, thành phố New York. Người này văng tục và la lên “đừng chạm vào tôi”, rồi nói người phụ nữ bị bệnh, theo Tony He, cư dân New York đã đăng video.
“Điều mà mọi người quên mất là nhiều người châu Á có thói quen đeo khẩu trang từ lâu trước khi có dịch virus corona”, ông He viết thêm, và nhận xét “dịch bệnh chỉ khiến mọi người chú ý hơn (tới khẩu trang)”.
Cần giáo dục nhận thức đúng về virus corona
Sự kỳ thị người gốc Á cũng nổi lên tương tự năm 2003 trong đợt bùng phát dịch SARS, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là thời chưa có mạng xã hội, nơi mà sự kỳ thị, phân biệt, tin giả, chửi bới dễ bị phóng đại. Và đây không chỉ là vấn đề của California.
Gần đây, một bài xã luận có tiêu đề “Trung Quốc là người ốm yếu thật sự của châu Á” đăng trên Wall Street Journal ngày 3/2, khiến cộng đồng người Hoa tại Mỹ phẫn nộ. Một bản kiến nghị gửi tới Nhà Trắng được tạo ra sau đó ba ngày, kêu gọi Wall Street Journal xin lỗi và rút lại bài viết, hoặc ít nhất là cái tít mang tính kỳ thị.
Nhà thiết kế Yiheng Yu ở thành phố New York làm việc trong văn phòng nơi nhiều đồng nghiệp mới trở về từ Trung Quốc, cũng là nơi mọi người đeo khẩu trang để đề phòng.
Nhưng một lần, cô đeo khẩu trang bước ra ngoài văn phòng, và cô bị một phụ nữ theo sau.
“Bà ta bắt đầu hét lên ‘Cô có bị điên không, biến khỏi đây mau’”, Yu, 34 tuổi, nói với Reuters. “Tôi nhận ra là vì tôi đang đeo khẩu trang”.
Một phụ nữ đeo khẩu trang ở khu phố Tàu tại New York. Ảnh: Reuters. |
Thậm chí một cái ho cũng gây ra nỗi sợ, theo Ron Kim, một nghị sĩ ở hội đồng bang New York đang đại diện cho một khu vực ở Queens, thuộc thành phố New York, vốn có cộng đồng lớn người gốc Á.
“Một nhân viên cấp dưới của tôi ở bến tàu Albany, vừa ho một chút thì một người tới gần cô và hỏi cô có nhiễm virus không”, Kim nói với Reuters. Ông vừa thành lập hội đồng cố vấn về y tế để nâng cao nhận thức của người New York về dịch bệnh.
“Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy sự sợ hãi, vì vậy nếu có thêm vấn đề này nữa (dịch bệnh), kiểu gì mọi người cũng trở nên xấu tính hơn”, ông Kim nói thêm.
Manjusha Kulkarni, đứng đầu một tổ chức đại diện cho 1,5 triệu người gốc Á ở hạt Los Angeles, cũng đồng tình với việc cần phải chỉ ra thật giả trong chủ đề dịch virus corona.
“Nhà hàng, cửa tiệm đã chứng kiến lượng khách giảm nghiêm trọng”, Kulkarni nói với Reuters. “Mới chỉ có một ca nhiễm virus corona ở Los Angeles”.
Trước Los Angeles, một số nơi cũng đã cố gắng giảm nỗi sợ hãi người gốc Á vì virus corona. Ở Toronto, Canada, các chính khách và quan chức trường học, cộng đồng lên tiếng kêu gọi không lặp lại sự kỳ thị đã bao trùm thành phố vào năm 2003, khi dịch SARS làm 44 người ở đây tử vong.