Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người giúp việc 'đại chiến' bà chủ ở khu nhà giàu tại Ấn Độ

Vụ bạo lực hôm 11/7 tại New Delhi giữa người giúp việc và giới chủ đã thổi bùng ngọn lửa bất hòa cùng nhức nhối khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ nhiều thập kỷ qua.

Johra Bibi là người giúp việc cho gia đình bà Harshu Sethi tại Mahagun Moderne, một khu căn hộ sang trọng tại ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Hôm 11/7, bà Sethi buộc tội người giúp việc của mình ăn trộm 265 USD. Johra Bibi bị bảo vệ bắt đi sau đó.

Sự việc nhanh chóng xấu đi. Hôm 12/7, hàng trăm người giúp việc và hàng xóm của họ tại các khu nhà ở của dân nghèo gần đó, với gạch đá và gậy sắt, tấn công khu phức hợp căn hộ.

"Hôm nay chúng ta sẽ giết mụ ấy. Chúng ta sẽ giết bọn chủ", bà Sethi sợ hãi miêu tả lại những gì đám đông hò hét khi xông vào căn hộ của bà.

Nguoi giup viec dai chien chu nha tai An Do anh 1
Đám đông xông vào khu căn hộ Mahagun Moderne hôm 11/7. Ảnh: New York Times.

Bà này cùng chồng và con trai đã phải trốn vào trong phòng tắm khóa trái từ bên trong để tự bảo vệ an toàn bản thân. Ở bên ngoài, đám đông lục soát từng ngóc ngách của ngôi nhà.

Băng hình ghi lại cảnh hàng trăm người ùa vào khu căn hộ, trong khi lực lượng bảo vệ tòa nhà hoàn toàn bất lực.

Mối bất hòa âm ỉ

Những bà chủ giàu có thường lui tới những trung tâm mua sắm, cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp, và dành phần lớn thời gian đưa con cái đi học và đi chơi. Công việc nội trợ, giặt ủi, rửa bát hàng ngày được chuyển giao cho những người giúp việc.

Tình trạng này tồn tại không chỉ ở thủ đô New Delhi mà phổ biến trên mọi ngóc ngách của Ấn Độ. Nó là một trong những biểu tượng của phân hóa giàu nghèo đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia Nam Á này.

Những ông bà chủ giàu có sống trong các căn hộ sang trọng đầy đủ tiện nghi. Họ thuê những người giúp việc với mức lương bèo bọt, không có hợp đồng lao động, và vì vậy không có nhiều ràng buộc pháp lý.

Mối bất hòa giữa giới chủ và người làm từ lâu đã không xa lạ trong các hồ sơ tội phạm tại Ấn Độ, nhưng sự kiện bạo lực nghiêm trọng như tại Mahagun Moderne lần này thì khá hiếm hoi.

Trước đây, những người giàu thường tập trung ở các khu vực trung tâm sang trọng. Nay, các khu chung cư sang trọng mở rộng ra các vùng ven đô New Delhi, có tòa nhà xây ngay cạnh những khu nhà ổ chuột của giới dân nghèo lao động. 

"Điều này chẳng khác gì mồi lửa cho cuộc chiến giữa người giàu và người nghèo", Tripti Lahiri, một tác giả nổi tiếng của Ấn Độ, nói.

Nguoi giup viec dai chien chu nha tai An Do anh 2
Mâu thuẫn giữa người giúp việc và chủ nhà dẫn tới bạo lực ở khu phức hợp Mahagun Moderne ở Noida, Ấn Độ. Ảnh: New York Times.

Những người giúp việc thường sống cùng với nhà chủ. Trước đây, họ vốn bị cô lập trong thế giới của người giàu có, không có bạn bè hay người cùng cảnh ngộ ở gần. Trong cảnh cô đơn, họ cũng sợ sẽ bị mất việc và gặp rắc rối với nhà chức trách.

Nay, tại các vùng ven đô, họ dễ dàng xây dựng mối quan hệ với những người lao động tại các khu nhà ổ chuột kế bên. Điều này làm những người giúp việc tự tin hơn và sẵn sàng phản ứng nếu thấy bất bình.

"Chỉ bởi vì bà ta có tiền nên bà ta có thể làm gì cũng được và không phải chịu trách nhiệm gì ư?", Johra Bibi nói. Cô phủ nhận lời cáo buộc ăn cắp của bà chủ.

"Tất cả mọi người đều lắng nghe bà ta, không ai chịu nghe tôi nói cả. Có phải là vì tôi nghèo nên bà ta có thể ném tôi vào bãi rác cũng không vấn đề gì?", Johra Bibi tức giận chia sẻ.

Những người chủ như bà Sethi thì nghĩ khác. Trong cơn hoảng sợ và bất bình, bà Sethi vẫn tự nhận mình là một người chủ nhân từ, đúng mực và mộ đạo.

Nguoi giup viec dai chien chu nha tai An Do anh 3
Cửa kính một căn hộ bị phá trong vụ bạo lực hôm 11/7. Ảnh: New York Times.

"Chúng tôi kính trọng họ vì họ là phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Tuân lời dạy của đạo Hindu, chúng tôi luôn cho họ ăn trước khi dùng bữa của chính mình", bà Sethi nói.

Những ông chủ, bà chủ giàu có tại Mahagun Moderne tin rằng họ là nạn nhân của cuộc bạo lực lần này. Những người giúp việc nghèo khổ kia, theo họ, chỉ đơn giản là ghen tức và căm thù giới chủ.

"Đây chắc chắn là biểu hiện của phân hóa giai cấp. Chắc hẳn họ tự hỏi 'làm thế nào mà những ông chủ này lại có nhiều tiền và sung sướng vậy'. Họ ghen tị với chúng tôi. Và cuộc bạo lực này là điều tất yếu", bà Sethi nói.

Vẫn cần đến nhau?

Cuộc sống tại khu phức hợp Mahagun Moderne vẫn chìm trong sóng gió. Chỉ trong vòng vài giờ, các ông bà chủ giàu có sống trong khu phức hợp quyết định cấm tất cả người giúp việc ra vào khu vực. 

"Chúng ta phải dạy cho họ một bài học. Nếu họ đoàn kết lại với nhau được thì chúng tôi cũng đoàn kết lại được với nhau", Mamta Pandey, một phụ nữ 50 tuổi khẳng định.

Tại khu nhà ở dành cho người nghèo, nơi Bibi sống, cảnh sát đã bắt giữ 73 người trong ngày 12/7 và 13/7. Nhiều ông bà chủ nhanh chóng trở mặt với người giúp việc của mình với những cáo buộc rằng người giúp việc của họ, thực ra, là dân nhập cư người Bangladesh.

"Các cư dân của Mahagun Moderne hiện rất kinh ngạc và giận dữ vì cái cách họ bị tấn công như vậy. Nhưng sớm thôi, họ sẽ phải tìm kiếm những người giúp việc mới. Cuộc sống vốn là như vậy mà", Ashok Yadav, trưởng bộ phận phát triển an ninh, nói. Ông này nghi ngờ về khả năng giới chủ có thể cầm cự trước tình trạng này quá lâu.

Nhận xét của Yadav không hẳn là không có cơ sở. Như bà Pandey, dù muốn dạy cho người giúp việc một bài học, cũng phải thừa nhận rằng cuộc sống của bà đã đảo lộn. Nay bà phải dậy sớm 1 tiếng mỗi ngày để làm việc nhà. Nhiều gia đình tại khu căn hộ đã phải đặt đồ ăn từ bên ngoài về trong những ngày vừa qua.

"Họ (người giúp việc) như những khúc xương mắc trong cổ họng, nuốt vào không được, nhổ ra cũng không xong. Cả hai bên đều cần đến nhau, và tốt nhất là nên học cách tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình", Sandhya Gupta, một cư dân của Mahagun Moderne, nói.

Manila - nơi khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Philippines, vùng thủ đô Manila có tổng dân số khoảng 12,8 triệu người (2015) và có sự phân hoá giàu nghèo rất lớn.

Indonesia: 4 người giàu hơn cả 100 triệu người nghèo nhất

Một báo cáo của Oxfam cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở Indonesia ngày càng nghiêm trọng khi tổng tài sản 4 người giàu nhất nhiều hơn cả tài sản 100 triệu người nghèo nhất.




Duy Anh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm