Khi những vị khách hạng sang (VVIP) bước xuống khỏi xe limousine để tiến vào hộp đêm Krystal Exclusive Club ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, họ mang trên mình những bộ cánh cầu kỳ, đội cả vương miện.
Đó là bữa tiệc do các quan chức lớn của chính phủ Thái Lan tổ chức, với sự tham gia của các nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội và doanh nhân, theo New York Times.
Dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, các quy định ngăn chặn lây nhiễm cũng không ngăn được các vị khách này tìm kiếm niềm vui.
Không ai tham dự bữa tiệc này tưởng tượng được rằng sau đó hộp đêm Krystal, cùng với một hộp đêm khác ở gần đó là Emerald, lại trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất và nghiêm trọng nhất ở Thái Lan, theo đánh giá của Bộ Y tế nước này.
Ôtô đắt tiền trong một bãi đỗ ở khu vực Thonglor, nơi sinh sống của những người giàu nhất Thái Lan. Ảnh: New York Times. |
Trong số những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, có cả đại sứ và bộ trưởng trong chính phủ Thái Lan. Các nhân viên an ninh và nhân viên lễ tân làm việc tại hộp đêm này cũng bị nhiễm bệnh.
Trước khi đợt dịch mới này bùng phát, Thái Lan không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nào sau nhiều tháng liền. Nhưng hiện nay, các ổ dịch đã được phát hiện tại một số hộp đêm hạng sang dành cho giới thượng lưu Thái Lan, cho tới trong các khu ổ chuột nằm sát đường cao tốc ở Bangkok.
Trong những không gian kín và đông người như vậy, quy định giãn cách xã hội không thể được đảm bảo. Từ đó, làn sóng Covid-19 lan đến cả các nhà tù, công trường xây dựng và nhà máy.
"Người giàu tiệc tùng, để rồi người nghèo phải gánh chịu hậu quả", Sittichat Angkhasittisiri, lãnh đạo một khu dân cư ở Khlong Toey - khu ổ chuột lớn nhất Bangkok - nói với New York Times.
"Người chết như lá rụng"
Vào cuối tháng 5, Thái Lan ghi nhận hơn 5.800 ca mắc Covid-19 trong một ngày. Tổng số ca bệnh hiện nay ở nước này là khoảng 175.000.
Đã qua rồi cái thời mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi Thái Lan về thành công chống dịch Covid-19, New York Times nhận định.
Trong đại dịch, khoảng cách giàu nghèo ở Thái Lan càng được thể hiện rõ nét hơn.
Các "phuyai", tức người thuộc giới thượng lưu Thái Lan, có thể chi trả cho các chuyến "du lịch vaccine" ra nước ngoài, để được tiêm vaccine Covid-19 trước khi đến lượt ở trong nước.
Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị trong bệnh viện tư ở Bankok. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, các chuyến đi như vậy đến Nga, với giá 7.000 USD/suất, đã được bán hết tại Thái Lan.
Trong khi đó, người nghèo vẫn đang chật vật chống chọi với đại dịch.
Nhiều người phải đợi hàng giờ đồng hồ để có được một chỗ nằm trên giường gấp ở bệnh viện dã chiến của chính phủ. Còn người giàu mắc bệnh nhẹ có thể tĩnh dưỡng tại các khách sạn hạng sang.
Mutita Thongsopa - nhân viên một công ty sữa, đến Bangkok để hỗ trợ gia đình - cho biết: “Xã hội rất, rất bất bình đẳng. Các phuyai đã tự mình phá hoại tình hình Covid-19. Và chúng tôi, những người nhỏ bé, chúng tôi không thể sống được".
Vào ngày 27/4, chị gái của cô Mutita là Supatra Thongsopa phải đến địa điểm xét nghiệm Covid-19 lúc 3h sáng mới mong đến lượt.
Nhưng Supatra Thongsopa phải đợi cả ngày hôm đó, rồi thêm hai ngày tiếp theo nữa. Trong lúc chờ đợi, cô Supatra nhắn tin với em gái để than mệt và bị đau dạ dày.
Cuối cùng cô được xét nghiệm vào ngày 1/5, có kết quả dương tính và qua đời sau đó 5 ngày. Bạn trai của cô Supatra cũng mắc Covid-19 và đang được điều trị trong bệnh viện.
"Mọi người đang chết đi như lá rụng vậy", cô Mutita nói.
Giường bệnh trong một bệnh viện dã chiến Covid-19 ở nhà thi đấu Bankok hồi tháng 4. Ảnh: New York Times. |
Người nghèo không có chỗ để phòng dịch
Sau khi ổ dịch ở Krystal và Emerald bị phát hiện, tòa án ở Bangkok kết án người quản lý hai hộp đêm này hai tháng tù giam vì vi phạm quy định khẩn cấp chống Covid-19.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thêm người nào bị cáo buộc phải có trách nhiệm với đợt bùng phát.
Cảnh sát cho biết đang xem xét hoạt động mại dâm bất hợp pháp có thể có tại hộp đêm này.
“Chúng tôi vẫn đang điều tra về vụ Krystal. Chúng tôi đang đợi các nghi phạm tự đầu thú. Chúng tôi đã gửi thông báo cho chủ sở hữu của các hộp đêm này", Thiếu tướng Sophon Sarapat, chỉ huy của đội cảnh sát thủ đô Bangkok, cho biết.
Thái Lan ghi nhận làn sóng Covid-19 đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, bắt nguồn từ sự kiện ở một sân vận động quyền anh ở Bangkok.
Làn sóng thứ hai xuất hiện ở nước này vào cuối năm 2020, với ổ dịch là một cơ sở kinh doanh hải sản có nhân viên là lao động nhập cư.
Còn làn sóng thứ ba mới đây bắt nguồn từ các hộp đêm, khiến khoảng 1.000 ca bệnh tử vong.
"Trong văn hóa Thái Lan, người ta có thể mỉm cười và nói dối cùng một lúc. Có lẽ điều đó là cần thiết để tồn tại được trên chính trường. Nhưng trong cuộc chiến với Covid-19, điều này quá nguy hiểm", Chuwit Kamolvisit, một nhà vận động chống tham nhũng và là cựu nghị sĩ quốc hội, nói.
“Krystal giống như một tòa nhà chính phủ khác, bởi vì nó rất quen thuộc với những người đó", ông Chuwit nói.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn nhà của bệnh nhân Covid-19 ở Thái Lan. Ảnh: New York Times. |
Còn đối với những người nghèo sống tại khu ổ chuột Khlong Toey, thật khó để xác định được nguồn lây nhiễm trong đợt dịch này.
Tại đây, hàng nghìn người sống chen chúc nhau trong các ngôi nhà lụp xụp gần đường ray xe lửa và kênh đào.
“Các quan chức nói về kiểm dịch, nhưng đó là đối với những người giàu có. Nhà của chúng tôi quá nhỏ. Chúng tôi không có đủ không gian”, ông Sittichat, lãnh đạo một khu dân cư ở Khlong Toey, nói.
Trong một khu dân cư khác ở Khlong Toey, khoảng 10% cư dân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Các quan chức buộc phải dựng lên một khu cách ly ngoài trời cho các ca bệnh và trường hợp nghi nhiễm, ngăn cách với bên ngoài chỉ bằng những tấm nhựa.
Sau khi mặc áo bảo hộ và đeo kính chống giọt bắn để truyền nước cho một loạt bệnh nhân ở đây, bà Mariam Pomdee - lãnh đạo một khu dân cư ở Khlong Toey - phát thức ăn từ thiện cho họ.
Trước tình hình dịch bùng phát, các chủ lao động đã không còn muốn thuê người dân ở đây làm nhân công.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan tăng cao do biên giới đóng cửa. Nhưng tại Khlong Toey, con số này ở ngưỡng đáng báo động. Để tồn tại, một số gia đình đã bán thẻ đăng ký được tiêm vaccine mà họ có, vốn chỉ dành cho nhóm có nguy cơ cao.
"Người giàu vốn đã có đặc quyền lại đang đạp lên người nghèo. Họ tin rằng tiền của họ có thể mua được bất cứ thứ gì", bà Mariam nói.