Pháp là nơi người dân có nhiều ngày nghỉ để đi du lịch. Trong khi người giàu lên đường đi xa, người biểu tình Áo khoác Vàng lại “nghỉ mát” ở các vòng xoay nơi họ từng biểu tình.
|
Ngay cả khi nhiều người Pháp dành tháng 8 ở bãi biển, một số người biểu tình “Áo khoác Vàng” vẫn tụ tập ở các giao lộ, vòng xoay quen thuộc của họ, chẳng hạn ở Aumetz, thị trấn nhỏ ở phía bắc nước Pháp, trong một ngày thứ sáu. Họ mang đồ ăn thức uống đến chia nhau, nằm dài trên ghế bành trong những chiếc lán bằng gỗ. “Trên tivi, toàn cảnh tắc đường”, Rolland Gambioli (ở giữa trong ảnh, đang cầm tẩu thuốc) nói về những người đi du lịch. “Bạn nghĩ mọi người đều đi du lịch, nhưng nhiều người trong chúng tôi không đi”. |
|
Người Pháp nổi tiếng với việc đi nghỉ lễ dài vào mùa hè. Nhiều tiệm bánh có mẩu giấy viết tay gắn ở cửa nói rằng chủ tiệm đã đi nghỉ mát, và khuyên rằng bạn cũng nên đi nghỉ mát. Những con phố yên lặng một cách kỳ lạ. |
|
Những cây thánh giá bằng gỗ được các thành viên phong trào Áo khoác Vàng đặt ở giao lộ để tưởng nhớ những người đã chết trong các cuộc biểu tình. Theo New York Times, thời gian nghỉ phép, du lịch có ý nghĩa thiêng liêng ở Pháp, theo cách mà người dân các quốc gia khác không hiểu được - phần cốt lõi trong nền dân chủ Pháp. Trẻ em được dạy trong lớp rằng đó là quyền của người Pháp - quyền được xếp hàng trên cao tốc trong dòng “người di cư” mỗi mùa hè đến các bãi biển - tất nhiên, trừ khi bạn thuộc phong trào “Áo khoác Vàng”. |
|
"Ở Pháp, nếu bạn không đi nghỉ hè vào mùa mà ai cũng đi, có nghĩa bạn không hòa nhập”, Jérôme Fourquet, một chuyên gia thăm dò dư luận gần đây công bố khảo sát về du lịch, nói với New York Times. 60% dân số Pháp vẫn du lịch vào mùa hè, nhưng ngày càng nhiều người không đủ tiền cho việc này nữa, ông Fourquet cho biết. Đây là thay đổi lớn đối với truyền thống được quý trọng ở Pháp, thêm một dấu hiệu cho thấy “khế ước xã hội” bất thành văn của quốc gia này đang bị đe dọa, theo New York Times. |
|
Chính thay đổi đó đã dẫn đến phong trào Áo khoác Vàng. Phong trào này không còn mạnh mẽ như vài tháng trước, và đã bị cấm biểu tình ở nhiều thành phố. Nhưng ở Aumetz, từng là vùng mỏ ở phía bắc nước Pháp, người biểu tình vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh của mình. Trong ảnh, một số người dân ở lại Aumetz, không đi nghỉ hè đang chơi trò bi sắt ở gần một nhà thờ. |
|
Mỏ sắt trước kia ở Aumetz giờ đã trở thành một bảo tàng. “Áo khoác Vàng như lửa vậy”, ông Gambioli nói với New York Times. “Có thể bạn thấy nó chỉ cháy âm ỉ, nhưng chỉ cần vài giây là có thể bùng lên”. “Hầu hết (chúng tôi) không đủ tiền để đi nghỉ hè”, Aurélie Mery, một trong những người biểu tình đầu tiên tới giao lộ này, nói với New York Times. |
|
Ông Gambioli chỉ vào mỏ sắt nơi ông từng làm việc. Danièle Blel-Canon cùng chồng Clément ở lại Aumetz mùa hè này, khác với các mùa hè trước khi họ đi nghỉ ở bãi biển. “Nghỉ hè rất thiêng liêng ở Pháp”, bà nói với New York Times. “Mọi người đều muốn đi nghỉ hè... nhưng lại không thể. Khó lắm. Vì vậy chúng tôi nghỉ hè ở giao lộ này”, bà nói, “vì chúng tôi có bạn ở đây”. |
|
Các tờ thông tin và bài báo về phong trào Áo khoác Vàng. Hầu hết người Pháp được học trong sách vở rằng vào năm 1936, các công nhân đã đình công để buộc chính phủ phải nhượng bộ, bao gồm rút ngắn tuần làm việc xuống 40 giờ và cho 14 ngày nghỉ có lương một năm - nay đã tăng lên 25 ngày. Chính phủ đã lập các nhà nghỉ và giảm vé tàu cho những người đi nghỉ. Số người nghỉ hè tăng vọt từ 600.000 năm 1936 lên 1,8 triệu sau đó một năm. “Những ngày nghỉ phải qua đấu tranh mới giành được, và vì thế nên chúng trở nên thiêng liêng”, André Rauch, sử gia đã viết về lịch sử của những ngày nghỉ ở Pháp, nói với New York Times. |
|
Đã gần nửa đêm. Ông Gambioli vẫn cố duy trì ngọn lửa tiếp tục cháy ở giao lộ nơi người biểu tình tụ tập. Xe hơi vẫn đi qua, nhiều người trên đường về sau khi đi nghỉ ở Luxembourg. Một số người bấm còi ủng hộ Áo khoác Vàng. Số khác la ó những lời khó hiểu, thậm chí chửi tục. |
|
Christophe Prod’homme chỉ bực bội trong giây lát, rồi mở điện thoại ra và xem lại video ưa thích của ông - clip trong đó ông bị cảnh sát chống bạo động ở Paris đá vào lưng. Ông tự hào vì mình đã ở giữa “trận địa” của phong trào Áo khoác Vàng. Ông từng là thợ hàn, làm việc ở Luxembourg, và có đồng ra đồng vào. Suốt 9 năm, sau khi ly dị vợ, ông chỉ dành thời gian rảnh sau giờ làm chơi World of Warcraft. Giờ đây ông có bạn bè ở giao lộ. “Tôi gặp bạn gái ở đây”, ông nói, gật đầu và cười. |
áo khoác vàng ở Pháp
Pháp
người biểu tình
pháp
giao lộ
vòng xoay
Pháp
Paris
phong trào