'Áo khoác vàng' tuần 17 ở Pháp, quy mô nhỏ nhất từ khi bắt đầu
Chủ nhật, 10/3/2019 08:55 (GMT+7)
08:55 10/3/2019
Kể từ khi bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 11/2018, quy mô phong trào biểu tình "áo khoác vàng" hôm 9/3 đã giảm xuống mức thấp nhất với 28.600 người tham gia trên toàn nước Pháp.
Trong ngày 9/3, số người tham gia phong trào biểu tình "áo khoác vàng" trên khắp nước Pháp đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn tháng qua, theo Reuters. Đây là tuần thứ 17 liên tiếp phong trào này diễn ra tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác ở Pháp nhằm phản đối chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AP.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết tổng cộng có khoảng 28.600 người đã tham gia biểu tình, với 3.000 người ở thủ đô Paris - giảm đáng kể so với 39.300 người trên khắp nước Pháp vào ngày 2/3. Con số này ít hơn rất nhiều so với gần 300.000 người tham gia diễu hành trên đường phố trong các cuộc biểu tình vào tháng 11/2018. Ảnh: AP.
Ngoài màu áo vàng biểu tượng của phong trào, cuộc biểu tình hôm 9/3 còn có sự xuất hiện của màu áo khoác hồng đến từ các nhân viên chăm sóc trẻ em xuống đường phản đối chính sách cải cách trợ cấp thất nghiệp. Nhóm người này cũng biểu tình ủng hộ quyền bình đẳng và công bằng cho phụ nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: AP.
Tại đại lộ Champs-Elysees, cảnh sát vẫn phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để trấn áp đoàn người biểu tình. Ở các thành phố khác như Lyon, Bordeaux và Toulouse, mặc dù phong trào "áo khoác vàng" diễn ra tương đối hòa bình, vẫn có một số cuộc đụng độ nhỏ lẻ giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh: AP.
Một nhóm "áo khoác vàng" còn dàn dựng màn nhảy dân vũ tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris, vẫy cờ Pháp và nhảy múa trong các sảnh chờ, theo kênh truyền hình BFM TV. Trong ảnh, người biểu tình đổ về khu vực bảo tàng Louvre ở Paris. Ảnh: Reuters.
Từ đầu tháng 11/2018, phong trào "áo khoác vàng" xuất hiện, ban đầu nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của Tổng thống Macron. Về sau, phong trào dần biến thành cuộc biểu tình rộng khắp nước Pháp chống lại nhiều chính sách kinh tế của chính phủ. Ảnh: Reuters.
Để xoa dịu tình hình, Tổng thống Macron đã giảm mức tăng thuế nhiên liệu và chi thêm 10 tỷ euro ngân sách (11 tỷ USD) để giúp đỡ tầng lớp người lao động nghèo nhất. Tuy nhiên, việc chưa được thỏa mãn hoàn toàn nguyện vọng và chính phủ Pháp tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn khiến người lao động Pháp tiếp tục biểu tình. Ảnh: Reuters.
Đỉnh điểm của phong trào là vào giữa tháng 12/2018, khi tình trạng bạo lực lan rộng ở trung tâm Paris. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ngay giữa thủ đô, đốt cháy xe hơi và trạm thu phí, phun sơn lên Khải Hoàn Môn, đập phá vườn Tuileries và nhiều cửa hiệu. Ảnh: Reuters.
Trong những ngày cao điểm, xe bọc thép được huy động và 8.000 cảnh sát được triển khai tại Paris để trấn áp đoàn người biểu tình. Hơn 1.700 người bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trở thành cuộc bạo loạn lớn và nghiêm trọng nhất thập niên ở Pháp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa và giảm dần về quy mô. Hôm 9/3, 19 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ, theo cảnh sát địa phương. Ảnh: Reuters.
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Ifop được thực hiện vào ngày 7 và 8/3 cho thấy 54% người tham gia khảo sát bày tỏ sự ủng hộ với phong trào "áo khoác vàng" - tăng nhẹ so với tỷ lệ 50% vào giữa tháng 2, nhưng giảm so với con số cao nhất từng ghi nhận là 72%. Ảnh: Reuters.
Tỷ lệ ủng hộ ông Macron cũng được cải thiện trong những tuần gần đây. Một cuộc thăm dò ý kiến của Ipsos công bố ngày 6/3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ tổng thống Pháp là 28%, tăng 8 điểm phần trăm kể từ tháng 12/2018. Ảnh: Reuters.
Những người khoác khăn choàng cổ màu đỏ phản đối bạo lực và việc phá hoại công trình lịch sử mà phe "áo khoác vàng" gây ra trong các cuộc biểu tình từ giữa tháng 11/2018 tới nay.
Bạo lực tiếp diễn trong tuần biểu tình thứ chín của làn sóng "áo khoác vàng" phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Macron, bày tỏ bức xúc trước bất bình đẳng xã hội.