'Người giàu cũng khóc' - nghịch lý của người Hàn Quốc
Người dân Hàn Quốc kiếm được nhiều tiền, nhưng những người cho là mình rất hạnh phúc chỉ chiếm có 7,1%.
Tổ chức thăm dò Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra xuyên quốc gia đối với 5.190 người ở 10 quốc gia gồm Đan Mạch, Malaysia, Mỹ, Việt Nam, Brazil, Indonesia, Canada, Phần Lan, Hàn Quốc và Australia.
Đi xem bói ở Hàn Quốc. |
Kết quả cho thấy, số người Hàn Quốc được hỏi cho rằng mình “rất hạnh phúc” chỉ chiếm có 7,1%, trong khi đó nước xếp thứ nhất Brazil có tỷ lệ cao đến 57,2%. “Nhật báo Triều Tiên” phân tích cho rằng, người Hàn Quốc “không vui” cơ bản có một số nguyên nhân dưới đây:
1. Thời gian làm việc, học tập quá dài
Báo chí gọi Hàn Quốc là “thiên đường của những người làm việc như điên”. Theo thống kê, thời gian làm việc cả năm của người Hàn Quốc đứng đầu trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gấp 1,3 lần mức bình quân của OECD.
“Báo cáo điều tra xã hội năm 2009” của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, cứ 3 người lao động thì có 1 người cho rằng họ “cảm thấy rất khổ sở vì thời gian làm việc quá dài”.
Số người Hàn Quốc hài lòng với công việc cũng rất ít. Một cuộc thăm dò năm 2008 của Viện nghiên cứu chính sách xã hội nước này cho thấy, nhóm người lao động “rất hài lòng” với công việc chỉ chiếm 7,9%.
Báo chí nước ngoài cũng đã xác nhận hiện thực này, tạp chí Forbes của Mỹ năm 2009 cũng từng đưa tin cho biết, Hàn Quốc là nước cần cù nhất thế giới, thông thường một nhân viên có thời gian làm việc là 2357 giờ/năm, tức là tính trung bình họ phải làm việc 6,5 giờ/ngày. Trong khi đó, người Mỹ thời gian làm việc bình quân chỉ có 1797 giờ/năm.
Ngoài ra, học sinh Hàn Quốc cũng vất vả không kém. Cuộc thăm dò cho biết, thời gian học tập bình quân của học sinh Hàn Quốc từ 15 – 24 tuổi là 7 giờ 50 phút/ngày, được cho là “thanh thiếu niên có thời gian học tập dài nhất trên thế giới”.
Xem bói giúp người Hàn giảm áp lực và bất an, từ đó tinh thần được yên ổn hơn trong công việc và cuộc sống. |
Ở khắp nơi trong các thành phố của Hàn Quốc đều có thể bắt gặp các lớp bổ túc lớn nhỏ, chỉ riêng thành phố Seoul đã có hơn 15.000 lớp. Do áp lực lên lớp quá lớn, dù là học sinh xuất sắc cùng phải đi học bổ túc để “nâng cao” điểm số, khiến họ phải chịu một gánh nặng.
2. Người dân thiếu cảm giác an toàn
Năm 2010, những sự kiện như tàu chiến Choenan bị đánh chìm, đấu pháo trên đảo Yeonpyeong, vấn đề hạt nhân Triều Tiên… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm giác hạnh phúc của người Hàn Quốc.
Trong cuộc thăm dò 10 nước của Tổ chức Thăm dò Hàn Quốc, có 69,6% người Hàn Quốc cho biết: “Mối đe dọa từ các nước xung quanh đã phá vỡ cuộc sống hạnh phúc của tôi”.
Tỷ lệ này gấp hơn 2 lần tỷ lệ bình quân 10 nước thăm dò (31%). Người Hàn Quốc lo ngại nhiều nhất về chiến tranh và khủng bố.
Đáng chú ý là, cũng nằm trong mối đe dọa chiến tranh thường trực, nhưng người Israel lại sống lạc quan hơn.
Israel bị các nước Ả Rập bao vây xung quanh, lại có tranh chấp lãnh thổ với Palestine hơn 60 năm qua, bóng ma chiến tranh luôn bao phủ, nhưng điều đáng ngạc nhiên là, trong bảng xếp hạng hạnh phúc của người dân các nước do Viện Gallup công bố vào tháng 7/2010, Israel, nước được coi là “thùng thuốc súng khu vực Trung Đông”, lại xếp vị trí thứ 8 trên thế giới; trong khi đó Hàn Quốc lại chỉ xếp tứ 56.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Israel đã đưa ra một báo cáo phân tích cho biết: "Người Israel tin tưởng Chính phủ có khả năng ngăn chặn hiệu quả đối với các mối đe dọa của các nước láng giềng, hơn nữa trong khuynh hướng chính trị của quốc gia, phe trung gian chiếm đa số. Sự tin cậy đối với nhà nước kết hợp với văn hóa chính trị linh hoạt đã đem lại cảm giác thỏa mãn cho người dân".
3. Kinh tế "thịnh vượng", tinh thần "nghèo nàn"
Xem bói giúp người Hàn giảm áp lực và bất an. |
Việc kiếm được nhiều tiền không phải là sai, nhưng vì điều đó mà hy sinh các giá trị khác, ví dụ như bỏ qua các mối quan hệ xã hội và không chú ý tới cảm giác thỏa mãn tâm lý, thì nó lại thành vấn đề.
Sau khi công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng vào thập kỷ 60 thế kỷ trước, người Hàn Quốc bắt đầu có một cuộc sống hết sức bận rộn. Họ phải hy sinh thời gian ở cùng với gia đình và bạn bè để làm thêm ngoài giờ, từ đó mất đi một phần cảm giác hạnh phúc.
Người Hàn Quốc có quan điểm về giá trị vật chất rất mạnh. Theo điều tra của nhà khoa học chính trị người Mỹ Ronald Inglehar, mức độ theo đuổi vật chất của người Hàn Quốc gấp 3 lần Mỹ, gấp 2 lần Nhật Bản.
Mặc dù thu nhập của người Hàn Quốc tăng lên một cách kinh ngạc, nhưng cảm giác thỏa mãn về cuộc sống của họ lại rất thấp. Nếu tính theo thang điểm 10 về mức độ thỏa mãn, thì Hàn Quốc chỉ đạt 5,7 điểm, không bằng điểm trung bình 6,7 của OECD, còn thấp hơn cả Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Giáo sư Xã hội học Đại học Hàn Quốc (KRU) Kim Yun-tae nói, sở dĩ có hiện tượng “nghịch lý người Hàn” thành công về mặt vật chất nhưng lại thất bại về mặt tinh thần như vậy là do đặc tính chỉ coi trọng thỏa mãn vật chất đã ăn sâu vào tiềm thức của người Hàn Quốc, người dân tuy giàu có về kinh tế, nhưng vẫn nghèo nàn về tinh thần.
4. Tai họa do ăn quá nhiều muối?
Điều thú vị là, có phương tiện truyền thông Hàn Quốc nói rằng thủ phạm chính làm cho người Hàn Quốc không hài lòng là do muối ăn hàng ngày. Đài Truyền hình KPS của Hàn Quốc cho biết, sức ép tinh thần quá lớn của người Hàn Quốc và thực phẩm Hàn Quốc có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Khẩu vị ăn truyền thống của người Hàn khá đậm, trong thức ăn có quá nhiều muối. Theo thống kê, lượng muối hấp thụ của nam giới nước này đã vượt 383% so với tiêu chuẩn, nữ giới vượt 272%.
Muối dư thừa ngấm vào các tế bào, sẽ làm mất nhiều phốt pho, từ đó gây ra các phản ứng sinh lý như huyết áp tăng cao, đau nửa đầu, loạn nhịp tim, mệt mỏi, khó chịu.
Điều này làm cho người Hàn Quốc rất dễ cảm thấy sức ép và căng thẳng trong đời sống hàng ngày và trong công việc. Để có một cuộc sống thoải mái hơn, có lẽ người Hàn phải có cách ăn uống khác đi, đồ ăn cần nhạt hơn.
Giảm áp lực, người Hàn có “kỳ chiêu”
Người Hàn Quốc trải nghiệm “cái chết” trong quan tài. |
Để loại bỏ những áp lực và nỗi khổ trong lòng, người Hàn Quốc đã nghĩ ra rất nhiều biện pháp đặc biệt, kỳ lạ.
Tại Seoul, sau khi đêm xuống, trên các đường phố sẽ có rất nhiều “túp lều đơn giản” có ánh đèn sáng rực, nhưng chúng hoàn toàn không phải là các quầy hàng kinh doanh thức ăn nhẹ, mà là những “túp lều” để bói toán.
Trong 2 năm qua, áp lực to lớn khiến nghề bói toán của Hàn Quốc rất phát triển. Khi cần đưa ra sự lựa chọn hoặc quyết định, nhiều người đi xin ý kiến các thầy bói.
Khi năm mới đến, trước kỳ thi tuyển sinh đại học, khi sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc làm, trong mùa bầu cử vài năm một lần, chính là lúc các thầy bói rất bận rộn. Từ xem tướng, xem bói, người dân tìm thấy chỗ dựa tinh thần mới, yên tâm hơn trong công việc và cuộc sống.
Theo thống kê, hiện nay ở Hàn Quốc có không dưới 450.000 thầy bói. Các cửa hàng, cửa hiệu treo biển viết “Thư viện triết học” thực chất là các loại hình hoạt động bói toán, công việc làm ăn rất thuận lợi.
Ngoài việc xem bói, người Hàn Quốc còn có cách giảm tải áp lực đáng kinh ngạc khác, đó là trải nghiệm cái chết. Người đàn ông 39 tuổi ở thành phố Daejeon, Hàn Quốc tên là Zhengjun (Trịnh Tuấn) đã sáng lập ra “Học viện Quan tài” vào năm 2009, bất cứ ai chi ra 25 USD là có thể đến học viện này để “chết 1 lần”, trải nghiệm cảm giác kinh hoàng về cái chết.
Được biết, dịch vụ tang lễ mô phỏng này hiện nay đã trở thành mốt tại Hàn Quốc, rất nhiều công ty lớn của Hàn Quốc, bao gồm cả Công ty Bảo hiểm Seoul đều tích cực bố trí cho nhân viên trải nghiệm, hy vọng nhờ cách thức đặc biệt này giúp cho nhân viên đối diện với công việc và cuộc sống với một thái độ tích cực hơn.
Giáo sư Thần kinh học Đại học Hallym, Hàn Quốc, Lee Sang-Kyu cho biết: "Phương pháp này có thể nói với mọi người rằng, kết thúc cuộc đời một cách dễ dàng hoàn toàn không phải là một ý tưởng tốt".
Theo VTC News