Trong lĩnh vực an ninh mạng, trình độ chuyên môn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tại trung tâm SOC nói riêng và Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) nói chung, đội ngũ nhân sự không chỉ có trình độ cao mà sự tận tâm và thái độ với công việc cũng được đẩy mạnh để đáp ứng các tác vụ bảo mật hàng đầu.
Tại nơi đèn không bao giờ tắt
Ông Nguyễn Công Cường, Giám đốc trung tâm cho biết VCS có những chuyên viên trẻ tuổi nhưng sở hữu kinh nghiệm thực chiến phong phú, điển hình như anh Ngô Anh Huy (sinh năm 1989) - người tìm ra hơn 40 lỗ hổng bảo mật trên Google, Oracle, Foxit và được Google mời làm diễn giả tại sự kiện Google Escal8 năm 2019; anh Phạm Văn Khánh (sinh năm 1992), đứng thứ 19 trong top chuyên gia bảo mật của Microsoft năm 2020; anh Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1996), “hacker mũ trắng” hàng đầu thế giới theo đánh giá của nền tảng Bugcrowd vào tháng 4 và tháng 5/2021.
Đội ngũ kỹ sư an ninh mạng tại trung tâm SOC gồm nhiều người trẻ tâm huyết, trình độ chuyên môn cao. |
Nếu chuyên môn là yếu tố cần thì sự đam mê, tận tâm trong công việc của các chuyên gia là yếu tố đủ làm nên sự đặc biệt của trung tâm. Ông Cường chia sẻ: “Có lần chúng tôi đang xử lý sự cố cho khách hàng, cùng lúc đó là lễ dạm hỏi của một kỹ sư phụ trách. Bạn xin phép trở về nhà vài tiếng để thực hiện nghi lễ rồi lập tức quay lại cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ”.
Khi làm việc đúng với đam mê, các chuyên gia bảo mật tại trung tâm coi công việc hàng ngày như bạn đồng hành và luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao nghiệp vụ bảo mật, hướng tới giải pháp dịch vụ trọn vẹn cho khách hàng.
Sự kết hợp giữa con người, quy trình và công nghệ mang lại văn hóa doanh nghiệp gắn kết tại trung tâm SOC. |
Giữ vững văn hóa làm việc trước không gian số biến động
Các cuộc khủng hoảng thường là thời cơ để tội phạm mạng hành động. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tận dụng xu hướng làm việc từ xa để tấn công vào những hệ thống thông tin trọng yếu. Do đó, công việc của các chuyên gia an ninh mạng tại trung tâm SOC càng thêm phức tạp, khó khăn.
“Việc tối ưu hệ thống gần như là yếu tố sống còn. Nếu không, lượng nhân sự cần thiết để đảm bảo giám sát quy mô hệ thống sẽ tăng đột biến, gây ra tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Có thể nói an ninh mạng là lĩnh vực đối kháng. Việc tự động hóa các luồng nghiệp vụ giám sát, phản ứng trước tấn công… là tiêu chí đánh giá chất lượng quan trọng của SOC. Do đó, mục tiêu lớn nhất năm nay và các năm tới của trung tâm là cung cấp dịch vụ có khả năng tự động hóa và tối ưu cao”, ông Cường chia sẻ.
Đội ngũ kỹ sư an ninh mạng tại trung tâm SOC miệt mài với nghiệp vụ bảo mật hệ thống mạng. |
Với tính chất công việc luôn đòi hỏi sự đổi mới, cải tiến nhanh chóng, các chuyên gia tại trung tâm đã quen với văn hóa thử nghiệm thực tiễn ngay thay vì dành nhiều thời gian bàn luận trên lý thuyết. Văn hóa làm việc này giúp đội ngũ giành được nhiều thành tích mới trong công việc, đóng góp nhiều sáng tạo giúp tối ưu hóa bộ máy và nâng cao hiệu quả nghiệp vụ.
Nhờ đó, trung tâm được ví như “lá chắn thép” của doanh nghiệp Việt trước những mối nguy trên không gian mạng. Tính từ đầu năm nay đến nay, trung tâm đã giám sát và xử lý hơn 30.000 cảnh báo, trong đó có 27 sự cố liên quan đến các hệ thống CNTT quan trọng.
Ông Nguyễn Sơn Hải - CEO Công ty An ninh mạng Viettel. |
Trung tâm SOC 3 năm liên tiếp đạt giải “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” cho dịch vụ giám sát, xử lý sự cố an toàn thông tin 24/7, được trao tặng bởi Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA). Ngoài ra trong năm 2020, trung tâm nhận danh hiệu “Nhà cung cấp dịch vụ quản lý an ninh mạng tốt nhất Việt Nam” từ giải thưởng Frost & Sullivan khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Nguyễn Sơn Hải - CEO Công ty An ninh mạng Viettel - là người sát cánh cùng nhân viên trong công tác giám sát an toàn thông tin để nắm bắt thông tin, đưa ra những chỉ đạo kịp thời. Ông chia sẻ: “Muốn nhân sự làm việc thế nào, mình hãy làm như vậy trước chứ không quân phiệt giáo điều. Đó là cách lãnh đạo mà chúng tôi áp dụng”.
Bình luận