Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người duy nhất sống sót sau 2 trận bom nguyên tử ở Nhật

Ông Yamaguchi thấy mọi thứ tối đen và tưởng mình đã chết nhưng sau đó ông chứng kiến cột khói lửa hình nấm khổng lồ bao trùm lấy bầu trời thành phố Hiroshima.

Ông Tsutomu Yamaguchi là chứng nhân 2 vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật. Ảnh: Higher Learning

Tsutomu Yamaguchi là người duy nhất được chính phủ Nhật Bản công nhận may mắn sống sót sau khi trải qua 2 thảm họa hạt nhân kinh hoàng của Mỹ giáng xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến II. Cả 2 lần, ông đều ở gần tâm vụ nổ. Tuy nhiên, Yamaguchi phải chịu những hậu quả nặng nề và trở thành Hibakusha (thuật ngữ phổ biến ở Nhật để gọi những người chịu ảnh hưởng bởi vụ nổ bom hạt nhân), theo Daily Mail.

Năm 1945, Yamaguchi là một chàng trai 29 tuổi, nhân viên thiết kế tàu chở dầu của Mitsubishi ở Nagasaki. Tháng 5 năm đó, ông cùng 2 đồng nghiệp nhận dự án mới ở Hiroshima.

"Tôi nhớ rõ hôm đó (6/8/1945) thời tiết ở Hiroshima rất đẹp, không có gì bất thường. Khi đang đi bộ về nhà máy, tôi nghe tiếng phi cơ trên đầu và phát hiện máy bay ném bom B-29 cùng hai cái dù nhỏ. Tiếp đó, một ánh chớp sáng lóa trên bầu trời. Tôi bị thổi bay", Yamaguchi nói.

Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, lúc 8h15 ngày 6/8/1945, máy bay B-29 Enola Gay của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử Little Boy xuống trung tâm thành phố Hiroshima. Quả bom chứa khoảng 60 kg uranium 235 và đương lượng 13 kiloton phát nổ cách mặt đất khoảng 600 m. Ngay lập tức, ít nhất 90.000 người chết. 90% nhà cửa ở Hiroshima bị phá hủy hoặc hư hại.

"Tôi không biết chuyện gì xảy ra và ngất đi một lúc. Khi mở mắt, mọi thứ tối đen và tôi tưởng mình đã chết. Lát sau, tôi dần thấy rõ khung cảnh xung quanh và chứng kiến cột khói lửa hình nấm khổng lồ trên bầu trời. Tiếng ồn đã lắng xuống. Tôi nghĩ mình phải chạy khỏi đây nếu không sẽ chết", người đàn ông ở cách tâm chấn khoảng 3 km nhớ lại.

Yamaguchi chạy tới một căn hầm trú bom và phát hiện khuôn mặt bỏng nặng, cánh tay cháy xém. Sau 2 giờ, dù bị thương nặng, ông vẫn chui ra khỏi hầm và tới nhà máy. Nhà cửa xung quanh biến mất hoặc đổ sụp, xác người ở khắp nơi.

"Tôi thấy những người may mắn sống sót. Họ không khóc hay gào thét. Tóc của họ cháy hết và hoàn toàn khỏa thân. Thi thể người nằm la liệt hoặc nổi trên mặt sông. Cả thành phố chìm trong biển lửa", Yamaguchi kể.

Nạn nhân của vụ đánh bom trong một bệnh viện ở Hiroshima. Ảnh: AP

10 khoảnh khắc ám ảnh về 2 vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật

Xác người cháy rụi nằm la liệt, nhà cửa bị san phẳng, 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trở thành vùng đất chết sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử cách đây 70 năm.

Ngày hôm sau, Yamaguchi trở về Nagasaki và đi thẳng tới bệnh viện để điều trị vết thương. Bác sĩ cho biết, ông bị bỏng nặng phần trên cơ thể, mù tạm thời và hỏng màng nhĩ.

Sáng 9/8/1945, dù đang dưỡng thương, ông vẫn tới nhà máy để báo cáo cấp trên nhiệm vụ công tác và kể về thảm họa ở Hiroshima. Ông sếp không tin và cho rằng một quả bom không thể hủy hoại cả thành phố. Ông nghĩ Yamaguchi đang bị chấn động mạnh bởi các vết thương.

Ngay lập tức, một ánh chớp lóe lên. Yamaguchi nhận thấy nó giống như những gì ông vừa trải qua ở Hiroshima. Ông vội vàng leo ra ngoài cửa sổ và tháo chạy. Đó là thời khắc quả bom nguyên tử Fat Man rơi xuống phía bắc thành phố Nagasaki, lúc 11h02. Một lần nữa, Yamaguchi thoát chết ở khoảng cách 3 km từ tâm vụ nổ.

"Khi thấy luồng sáng mạnh, tôi biết điều gì đang xảy ra nên nhanh chóng nhảy xuống nước. Vì vậy, ở vụ nổ lần thứ hai, tôi may mắn an toàn", người đàn ông sống sót kì diệu nói.

Thành phố Nagasaki trở vùng đất chết. Không gian im lặng lạ kỳ, không có cả tiếng côn trùng kêu. Ngày 15/8, ông chứng kiến mọi người bật khóc khi Hoàng đế Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng.

Người Nhật trả giá đắt

Khoảng 140.000 người thiệt mạng vào buổi sáng 6/8/1945, khi quả bom Little Boy phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima. Vụ nổ thứ hai xảy ra 3 ngày sau ở thành phố Nagasaki giết 70.000 người. Do tiếp xúc bức xạ, nhiều năm sau, hàng trăm người bỏ mạng vì bệnh tật, đặc biệt là ung thư.

Những người thân trong gia đình ông Yamaguchi cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Katsutoshi, con trai ông, chỉ là một cậu bé khi vụ nổ xảy ra. Cô con gái Naoko ra đời sau sự việc không lâu. Cả hai cùng mắc bệnh nặng do tiếp xúc với bức xạ. Năm 2005, Katsutoshi qua đời vì ung thư khi mới 59 tuổi. Vợ ông Yamaguchi mất khi bà 88 tuổi vì ung thư thận và gan.

Trước khi qua đời năm 2010, ông quyết định kể về sự khủng khiếp của vũ khí nguyên tử: "Tôi muốn thế hệ tiếp theo biết những gì chúng tôi đã trải qua. Khi chính phủ công nhận tôi là người sống sót qua 2 cuộc ném bom hạt nhân của Mỹ, tôi phải có trách nhiệm đưa sự thật tới tất cả người dân thế giới. Không ai được phép quên sự tàn phá của 2 quả bom – vũ khí nguyên tử duy nhất được sử dụng trong chiến tranh ".

Việc Tổng thống Mỹ Harry S. Truman thực hiện cuộc tấn công hạt nhân vào Nhật Bản mùa hè năm 1945 đã giúp Thế chiến kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, theo ông Yamaguchi, người Nhật phải trả giá quá đắt.

Khoảng trắng kinh hoàng trong vụ ném bom xuống Nhật Bản

Sau một chớp nháy, khung cảnh yên bình của thành phố Hiroshima bỗng biến thành "địa ngục" với xác người ẩn hiện trong đống đổ nát và tiếng rên rỉ, than khóc vang khắp nơi.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm