Khi Bảo tàng Bóng đá Đức được khánh thành ở Dortmund vào năm 2015, hiện ra ngay giữa khu vực trưng bày có chiếc TV được phát liên tục bàn thắng của Geoffrey Hurst. Đó như một lời nhắc nhở trận chung kết trên sân Wembley vẫn còn nhiều bí ẩn.
Ban quản lý bảo tàng thiết kế hai chiếc nút "Yes" và "No" cạnh bên chiếc TV được phát đi, phát lại bàn thắng đầy tranh cãi dưới định dạng màu, kèm theo câu hỏi "Bạn nghĩ trái bóng đã đi qua vạch vôi khung thành chưa?". Họ muốn người hâm mộ tự trả lời.
"Wembley Goal"
Hướng dẫn viên bảo tàng kể lại rất nhiều phóng viên đã vây trọng tài biên Tofiq Bahramov, người công nhận bàn thắng gây tranh cãi ở trận chung kết World Cup 1966, để xác minh mọi việc.
Phải nhiều năm sau, một bài báo ở Đức mới dẫn lời ông Bahramov thế này: "Nếu tôi không công nhận bàn thắng ấy, người Anh sẽ mãi chìm trong giấc ngủ sâu". Những câu chữ đó không hề vô lý.
Kể với phóng viên BBC, ký ức oanh liệt của World Cup 1966 hiện ra trong huyền thoại người Anh - Sir Bobby Charlton. Ông không bao giờ quên những ngày hè ở quê nhà. Sân Wembley, đội tuyển Anh giữ chiếc cúp vàng World Cup ở lại xứ sương mù sau chiến thắng 4-2 trước Tây Đức.
Người Anh tới bây giờ vẫn tự hào về chiến tích cách đây 52 năm. Còn dân Đức xem đó như một sự dàn xếp của những âm mưu. Fan trung lập gọi cuộc chạm trán ấy, đặc biệt khoảnh khắc Geoffrey Hurst với bàn thắng gây tranh cãi nâng tỷ số lên 3-2 trong hiệp phụ thứ nhất, là sự sắp đặt của số phận.
Tuyển Anh giành chức vô địch World Cup 1966 tranh cãi. |
Ai cũng có lý do riêng của mình, để rồi pha lập công của Geoffrey Hurst trở thành đề tài tranh luận không có hồi kết. Người Đức không bao giờ quên khoảnh khắc ấy, họ gọi bàn thắng dưới mũi giày cây săn bàn chủ nhà là "Wembley Goal" để chỉ những bàn thắng không hợp lệ trong bóng đá.
Nhìn lại lịch sử trên sân Wembley, Chúa tưởng chừng đứng về phía người Đức và lấy đi chức vô địch đầu tiên và cho đến nay là duy nhất của nước Anh khi Wolfgang Weber khiến cả sân vận động tọa lạc tại London phải chết lặng với cú đá bồi thành bàn vào cuối hiệp 2, đưa tỷ số về lại 2-2.
"Tuyển Anh dẫn trước trong hiệp 2 và duy trì tỷ số đến cuối trận. Nhưng rồi Wolfgang Weber tạo ra khoảnh khắc đáng sợ nhất cho người Anh. Trong phút chốc, tôi nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Đối thủ quá bền bỉ và dường như Chúa sẽ gọi tên họ trở thành nhà vô địch", Sir Bobby Charlton nói.
Song, Geoffrey Hurst lần thứ hai bừng sáng. Pha dứt điểm từ cự ly gần của ông đưa bóng đập vào xà ngang, rơi xuống rồi lại nẩy lên ngay lập tức trước khi chính Wolfgang Weber đánh đầu ra ngoài. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Trọng tài Gottfried Dienst bối rối, lúng túng chạy về trọng tài biên tham khảo.
Bàn thắng của Geoffrey Hurst trở thành tranh cãi không có hồi kết đến bây giờ. |
Sau cùng, bàn thắng được công nhận cho tuyển Anh. Mọi thứ được định đoạt. Ý chí tuyển Đức cũng bị bẻ gãy. Geoffrey Hurst sau đó hoàn tất cú hat-trick trong đêm những quyết định của trọng tài để mang về chiến thắng cho đội nhà. Trận chung kết World Cup 1966 khép lại với cả một trời tranh cãi.
Số phận hay âm mưu?
"Bản thân tôi không chắc quả bóng đã bay vào lưới Đức hay chưa dù đứng cách không quá xa. Thời điểm ấy, chỉ có Chúa mới biết mọi chuyện. Trọng tài cũng không biết phải xử lý thế nào. Sau này, tôi có nghe nói bàn thắng ấy là hợp lệ khi được phân tích bằng công nghệ cao", Sir Bobby Charlton kể lại.
Năm 2016, hai bình luận viên Sky Sports là Jamie Carragher và Ed Chamberlin có câu trả lời cho "bàn thắng ma" của Geoff Hurst. Họ sử dụng công nghệ thực tại ảo của EA Sports để cung cấp cho độc giả cái nhìn độc đáo về bàn thắng ấy. Theo đó, toàn bộ trái bóng được xác định qua vạch vôi.
Trong khi đó, sự cay cú chưa bao giờ cạn với người Đức. Huyền thoại Franz Beckenbauer từng mỉa mai công lý được thực thi sau khi Frank Lampard tung cú sút đưa bóng qua vạch vôi ở trận Anh gặp Đức tại vòng 1/8 của World Cup 2010, tuy nhiên lại không được trọng tài công nhận.
Sau này, một số tờ báo Đức đặt ra nhiều nghi vấn, gọi bàn thắng ma của Geoff Hurst và cả chiếc cúp vàng cho người Anh là một âm mưu được dàn xếp. Đã có giả thuyết đội chủ nhà mua chuộc trọng tài, mà cụ thể trọng tài biên Bahramov, để làm méo mó trận đấu.
Nhưng cũng xuất hiện dữ kiện cho rằng ông Bahramov vì muốn trả thù cho Liên Xô trước người Đức vì Thế chiến II nên quyết định công nhận bàn thắng cho tuyển Anh. Rất nhiều và rất nhiều nghi vấn đã được đặt ra để tìm lời giải cho tranh cãi ở chung kết World Cup 1966.
Ngạn ngữ có câu, "chuyện đã qua thì cũng đã qua". Nhiều người Đức vẫn còn đó sự cay cú, oán ghét tổ trọng tài điều khiển trận đấu. Bên lại tỏ ra thông cảm, kẻ thầm ước phải chi công nghệ VAR xuất hiện. Bởi có như vậy, bàn thắng của Geoffrey Hurst sẽ được sáng tỏ.