Các nước Đông Nam Á "tin tưởng" Nhật Bản hơn là Mỹ và Trung Quốc trong việc đóng góp cho an ninh và thịnh vượng của khu vực, theo kết quả một khảo sát được công bố hôm 7/1 của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof-Ishak tại Singapore.
Báo cáo có tên The State of Southeast Asia: 2019 còn chỉ ra rằng Đông Nam Á ngày càng hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong khi nhiều người cho rằng Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị.
Cuộc khảo sát có sự tham gia của hơn 1.000 người từ tất cả 10 nước của Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thuộc các giới chính phủ, học giả, doanh nhân, xã hội dân sự và truyền thông.
"Nhật Bản, vốn không được đánh giá cao như Trung Quốc hay Mỹ về sức mạnh cứng và ảnh hưởng khu vực, lại được nhìn nhận rộng rãi là nước lớn đáng tin cậy nhất tại khu vực", báo cáo khảo sát nêu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP. |
Gần hai phần ba số người được hỏi (65,9%) cho biết họ "tin tưởng" hoặc "rất tin tưởng" rằng Nhật Bản sẽ "làm điều đúng đắn" trong các vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, con số này cho Trung Quốc là 19,6% và cho Mỹ là 27,3%.
Kết quả khảo sát cho thấy ASEAN đang mất niềm tin với Washington nhưng vẫn giữ những hoài nghi sâu sắc về Bắc Kinh. Hơn 68% người được hỏi nghi ngờ sự đáng tin của Mỹ với tư cách "đối tác chiến lược và bảo đảm an ninh". Cùng lúc, chỉ 8,9% xem Trung Quốc là một "cường quốc hiền lành và rộng lượng".
Gần 60% người được hỏi cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu hoặc thực sự suy yếu so với cách đây một năm. Trong khi đó, hơn 45% cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một "cường quốc xét lại với ý đồ biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng của mình".
"Kết quả này... là tiếng chuông thức tỉnh cho Trung Quốc để nước này cải thiện hình ảnh tiêu cực của mình tại Đông Nam Á, dù Bắc Kinh liên tục cam đoan về sự trỗi dậy hiền lành và hòa bình", báo cáo viết.
Theo các tác giả, cuộc khảo sát nhằm cho thấy những thái độ phổ biến trong những người "có thể thông báo hay ảnh hưởng đến chính sách chính trị, kinh tế cũng như các vấn đề và mối quan tâm tại khu vực".
Tiến sĩ Tang Siew Mun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof-Ishak và là đồng tác giả khảo sát, nói mức độ nghi kỵ đối với ý định của Trung Quốc là điều nằm ngoài dự liệu.
"Những quan ngại về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã nóng dần lên trong một thập kỷ qua, và giờ đây đang tiến đến điểm sôi. Khảo sát phản ánh tâm lý lo lắng tăng cao", vị chuyên gia nói với South China Morning Post.
Khảo sát cũng cho thấy sự cảnh giác tại ASEAN về chương trình "Vành đai và Con đường" mà Bắc Kinh đang thúc đẩy. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa ASEAN "gần hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc". Trong khi đó, một phần ba nói rằng dự án này thiếu minh bạch và 16% dự đoán nó sẽ thất bại.
Phần đông, khoảng 70%, mà nhiều nhất ở Malaysia, Philippines và Thái Lan, cho rằng các chính phủ "nên cẩn trọng trong khi đàm phán về 'Sáng kiến Vành đai và Con đường', tránh rơi vào các khoản nợ tài chính thiếu bền vững với Trung Quốc".