Việc đồng bộ thời gian giúp cho hàng tỷ thiết bị kết nối Internet có thể hoạt động trơn tru mà không bị lệch pha. Ảnh: Guilding Tech. |
Tiến sĩ David L. Mills - người phát minh ra Giao thức đồng bộ thời gian mạng (NTP) - đã qua đời ở tuổi 85 vào ngày 17/1/2024. Thông tin này được GS. Vinton Cerf tiết lộ hôm 18/1.
“Ông ấy là một trong những biểu tượng của Internet thời kỳ đầu”, ông Cerf, người được mệnh danh là "cha đẻ" của mạng Internet, viết.
Giải thách thức lớn của Internet thời kỳ đầu
TS. Mills tạo ra giao thức NTP vào năm 1985 nhằm giải quyết một thách thức quan trọng của thời đại bấy giờ. Đó là làm thế nào đồng bộ thời gian trên các hệ thống máy tính và mạng Internet khác nhau.
Trong môi trường kỹ thuật số hiện nay, hàng tỷ máy tính và máy chủ được đặt khắp nơi trên thế giới. Mỗi cỗ máy lại có một đồng hồ riêng bên trong.
Mills là một trong những biểu tượng của Internet thời kỳ đầu. Ảnh: Ars Technica. |
Để các hệ thống hoạt động trơn tru và phối hợp với nhau, điều kiện tiên quyết là chúng phải đồng bộ về mặt thời gian. Làm được như vậy, bộ phận điều khiển mới có thể kiểm soát các bộ phận khác.
Khi một hệ thống mất đồng bộ thời gian, nó sẽ ngay lập tức ngừng hoạt động. Do đó, thế giới cần có một hệ thống thời gian dùng chung và chính xác.
Là một trong những giao thức Internet lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng, NTP giải quyết bài toán này bằng cách tạo ra một chuẩn thời gian chung để đồng hồ của các cỗ máy đồng bộ theo.
Việc đồng bộ hóa này đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động đời sống từ tính thống nhất của dữ liệu cho đến bảo mật mạng. Đơn cử như NTP giúp mốc thời gian giao dịch tài chính trên các mạng khác nhau luôn chính xác và đồng bộ để lưu lịch sử và kiểm soát mọi hoạt động trên Internet.
Năm 1977, Mills bắt đầu làm việc tại COMSAT. Ở đây, công việc của ông là đồng bộ đồng hồ các máy tính kết nối với mạng lưới ARPANET - tiền thân của Internet. Nhận ra nhu cầu thống nhất về mặt thời gian, ông phát minh ra giao thức NTP.
Giải pháp của ông đã đồng bộ thời gian trên các máy tính với độ chính xác trong khoảng 10 mili giây. NTP hiện hoạt động trên hàng tỷ thiết bị trên toàn thế giới, điều phối thời gian trên mọi châu lục và trở thành nền tảng cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại.
Vào thời điểm đó, Mills đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong việc duy trì và phát triển giao thức NTP. Đặc biệt là khi Internet ngày càng phát triển về quy mô và độ phức tạp. Phát minh của ông nêu bật vai trò của các nhà phát triển phần mềm nguồn mở - những người vốn bị coi thường trước đó.
Những đóng góp khác cho Internet
Nói với New Yorker vào năm 2022, Mills chia sẻ ông rất thích công việc phát triển giao thức đồng bộ hóa thời gian của mình vì không có ai khác làm việc đó. Điều này khiến ông cảm giác như tạo ra một “lãnh thổ nhỏ” của riêng mình.
Mills sinh ra với bệnh tăng nhãn áp và mất thị lực, cuối cùng bị mù hoàn toàn. Do vấn đề về thị giác, ông đã chuyển giao quyền kiểm soát giao thức cho Harlan Stenn vào những năm 2000.
Ngoài việc phát triển và duy trì giao thức NTP, Mills còn phát minh "bộ định tuyến Fuzzball" cho NSFNET. Đây là một trong những bộ định tuyến hiện đại đầu tiên.
Nếu không thống nhất thời gian, các cỗ máy không thể giao tiếp và phối hợp cùng nhau. Ảnh: Quora. |
David L. Mills là người đầu tiên thử nghiệm giao thức truyền tải tệp tin FTP, đồng thời truyền cảm hứng để tạo ra khái niệm "ping". Vị tiến sĩ đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc Internet với tư cách là chủ tịch đầu tiên của Lực lượng Chuyên trách về Kỹ thuật Liên mạng (IETF).
Những cống hiến cho thế giới của ông đã được công nhận. Mills trở thành thành viên của Hiệp hội Máy tính vào năm 1999, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử vào năm 2002. Ông nhận Giải thưởng Internet của IEEE năm 2013 vì những đóng góp cho các giao thức mạng và đồng bộ thời gian.
Mills nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Máy tính và Truyền thông tại Đại học Michigan vào năm 1971. Khi qua đời, Mills đang giữ chức giáo sư danh dự tại Đại học Delaware. Ông nghỉ hưu vào năm 2008 sau khi giảng dạy 22 năm.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.