Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đi tìm ‘hồn’ cho bảo vật triều Nguyễn

Những chiếc mũ của vua, quan có tuổi hàng trăm năm đã lụi tàn theo thăng trầm lịch sử, bỗng được "hồi sinh" bởi bàn tay của một thợ kim hoàn ở Sài Gòn.

T

rong căn nhà khá yên tĩnh trên đường Nguyễn Thái Bình giữa lòng Sài Gòn, ông Vũ Kim Lộc kể cho chúng tôi nghe về chuyện nghề và cơ duyên khiến ông trở thành người "hồi sinh” cho các bảo vật xưa.

Duyên nghề

Hơn 20 năm trước, ông Lộc rời quê Hưng Yên vào Sài Gòn lập nghiệp, không lâu sau đã “bén duyên” với nghề chế tác kim hoàn. Nhiều năm cần mẫn, say mê chế tác và sưu tầm trang sức, ông Lộc trở thành cái tên quen thuộc trong giới chơi đồ cổ Sài Gòn.

Hoi sinh mu vua,  trieu Nguyen,  bao vat,  tho kim hoan,  Vu Kim Loc,  Sai Gon anh 1

Ông Lộc bắt đầu phục chế chiếc mũ vua đầu tiên vào năm 2006. Ảnh: Hải Long.

Ông nhớ vào năm 2006, nhận được lời đề nghị của một người bạn trong giới chơi đồ cổ, người này cần phục chế lại chiếc mũ vua Chăm Pa có niên đại từ thế kỷ thứ 7 (khoảng 1.400 năm trước). “Khi tôi nhìn thấy chiếc mũ, nó chỉ là một mớ lộn xộn các mảnh vàng, bạc và nhiều chi tiết rời rạc, còn phần cốt mũ đã mục hết”, ông Lộc nói.

Nhận lời phục chế chiếc mũ, ông mò mẫm nhiều ngày và không ít lần thất bại, tuy nhiên ông vẫn cố gắng để hoàn thành. Sau 2 tháng kiên trì, chiếc mũ vua Chăm Pa cũng được phục chế hoàn chỉnh, sau đó được một hội đồng thẩm định kiểm tra và đánh giá. 

Ông nhận được tin chiếc mũ được khôi phục hơn 90% so với hiện trạng ban đầu, một việc mà ông không nghĩ mình sẽ làm được.

“Kết quả đó khiến tôi càng say mê và hứng thú hơn với công việc phục chế mũ vua, quan xưa. Tôi tự tìm tư liệu, hình ảnh về các loại mũ rồi học cách làm. Có lẽ đó cũng là cơ duyên đầu tiên đưa tôi đến với nghề”, ông Lộc cho biết.

Phục chế 4 mũ vua triều Nguyễn

Một ngày giữa năm 2008, ông Lộc bất ngờ nhận được lời đề nghị của tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, về việc tham gia phục chế 4 chiếc mũ vua triều Nguyễn đã hư hỏng nặng.

Lúc đó, chưa nhìn thấy hiện vật cũng không biết có làm được hay không, nhưng vì quá tò mò ông Lộc đã quyết định ra Hà Nội để tận mắt thấy được bảo vật.

Hoi sinh mu vua,  trieu Nguyen,  bao vat,  tho kim hoan,  Vu Kim Loc,  Sai Gon anh 2
Tình trạng của 4 mũ vua triều Nguyễn lúc ông Lộc nhìn thấy. Ảnh: Vũ Kim Lộc.

Ông Lộc kể khi nhìn thấy những thứ còn lại của 4 chiếc mũ, chân tay ông rã rời và toát mồ hôi hột. Bốn mũ vua triều Nguyễn được đựng trong 2 túi, không còn hình hài mà bị hư hoàn toàn, các họa tiết bằng vàng, châu báu trộn vào nhau trong một mớ lộn xộn.

“Toàn bộ có khoảng 2.000 chi tiết rời rạc. Lúc đó tôi thực sự lo lắng và áp lực, không biết nên bắt đầu như thế nào và kết quả sẽ ra sao”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, thứ cần nhất và khó tìm nhất là tư liệu, hình ảnh trước đó của mũ. Nhìn vào các chi tiết đặc trưng, ông nhận biết ngay ở đó gồm ba mũ Đại triều và một mũ Bình thiên, nhưng nó có hình hài ra sao và phải phục dựng thế nào là câu hỏi khó mà ông Lộc phải trăn trở nhiều ngày.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Lộc quyết định đi tìm lại "hồn" cho bảo vật xưa. Đến Huế, ông tới các lăng tẩm, miếu thờ để chụp ảnh, quan sát các bức tượng và tranh vẽ về các vị vua triều Nguyễn. Tới các bảo tàng, trung tâm bảo tồn để tìm nguồn tư liệu, có cơ sở khoa học trước khi bắt tay vào phục dựng.

Sau khi có một số tư liệu và tìm được hướng bắt đầu, ông Lộc quyết định triển khai công việc cùng sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia và tiến sĩ Phạm Quốc Quân.

Hoi sinh mu vua,  trieu Nguyen,  bao vat,  tho kim hoan,  Vu Kim Loc,  Sai Gon anh 3
Hơn 1 năm làm việc tại Hà Nội, ông Lộc mới phục chế được 4 chiếc mũ vua. Ảnh: Vũ Kim Lộc.

“Trong khoảng thời gian khó khăn đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quá trình phục chế mũ, tôi rất áp lực nhưng may mắn là anh Quân rất quyết đoán, tin tưởng và giao cho tôi toàn quyền quyết định, nếu không tôi cũng chẳng đủ kiên trì để hoàn thành”, ông Lộc bộc bạch.

Hơn 1 năm trời miệt mài làm việc, cuối cùng 4 mũ vua triều Nguyễn cũng được người thợ kim hoàn phục hồi. Sự kiện đó thực sự gây tiếng vang trong giới khoa học, khảo cổ trong và ngoài nước, đến giờ nhắc lại ông Lộc vẫn không giấu được nét rạng rỡ trên khuôn mặt.

Người giữ "hồn" mũ Mã Vĩ

Ngoài việc phục chế 4 mũ vua triều Nguyễn, ông Lộc còn được biết đến là đồng tác giả của cuốn sách “Hồi sinh”, viết về câu chuyện 4 mũ vua triều Nguyễn được đánh thức sau giấc ngủ dài suốt trăm năm.

Nhiều người biết đến ông là vậy, nhưng có lẽ ít ai ngờ ông cũng là một trong những người cuối cùng còn biết cách làm mũ Mã Vĩ đã thất truyền gần 100 về trước.

Theo ông Lộc, trước những năm 30 của thế kỷ trước, Hà Nội nổi tiếng với con phố tên Mã Vĩ với nghề làm mũ miện cho vua, quan và tầng lớp quý tộc. Nhưng khoảng sau năm 1930, con phố này dần biến mất vì những người thợ cuối cùng qua đời, lớp trẻ không ai còn giữ được “lửa nghề” và thất truyền từ đó.

Tư liệu nói về nghề này rất ít, ông chỉ biết nó trước kia rất thịnh hành và nổi tiếng, còn lại không tìm thấy bất kì thông tin gì khác.

Hoi sinh mu vua,  trieu Nguyen,  bao vat,  tho kim hoan,  Vu Kim Loc,  Sai Gon anh 4
Ông Vũ Kim Lộc là một trong số ít người còn làm được mũ Mã Vĩ. Ảnh: Hải Long.

“Đúng như tôi nói ban đầu, chắc là cái duyên mang tôi đến với nghề, chỉ là đam mê thôi thúc khiến tôi tự tìm tòi, nghiên cứu rồi học làm để có thể thỏa mãn sự tò mò”, ông Lộc chia sẻ.

Tỉ mỉ bên mớ lông đuôi ngựa, ông Lộc giải thích mũ Mã Vĩ được các thợ thủ công dùng lông đuôi ngựa làm nguyên liệu chính, dùng các họa tiết, hoa văn bằng vàng, bạc, châu báu để thêu vào mũ.  

Khi mới bắt đầu công việc này, ông Lộc phải tìm hiểu thông tin, hình ảnh từ các bức tượng cổ, tranh vẽ các vua, quan thời xưa để tham khảo.

Chỉ cần biết có gia đình gốc quan lại nào đó vẫn đang lưu giữ mũ miện xưa, ông Lộc sẽ lặn lội tìm đến để xin mẫu, hoặc mua về phân tích từng đường kim, mũi chỉ trên đó. Sau khoảng thời gian dài, giờ ông tự đúc kết và có cho mình một kho dữ liệu về mũ miện, đặc biệt của triều Nguyễn.

Ông Lộc cho hay nghề này ít người làm nên khó kiếm nguyên liệu, lông đuôi ngựa phải mua từ các tỉnh giáp biên giới phía Bắc. Sau khi có nguyên liệu, cần phải làm các khuôn mũ để két (đan) các sợi lông vào, hoàn thành phần khung mũ mới có thể thêu và trang trí các họa tiết.

"Muốn làm được một chiếc mũ Mã Vĩ, tôi phải mất khoảng một năm để hoàn thành. Nó khó ở chỗ phải cần mẫn và tỉ mỉ với từng chi tiết nhỏ", ông Lộc chia sẻ.

Hoi sinh mu vua,  trieu Nguyen,  bao vat,  tho kim hoan,  Vu Kim Loc,  Sai Gon anh 5
Chiếc mũ Mã Vĩ được ông Lộc két (đan) bằng lông ngựa đầy tinh xảo. Ảnh: Hải Long.

Hiện ngoài công việc làm mũ Mã Vĩ và phục chế các bảo vật cổ, ông thu thập tài liệu để hoàn thành những bản thảo cuối cùng cho một cuốn sách mang tên “Mũ miện của triều Nguyễn”, dự kiến sẽ xuất bản vào thời gian tới.

Năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, kho báu hoàng gia và kim quỹ cùng nhiều châu báu khác bị người Pháp lấy đi. May mắn, kho báu quan trọng nhất đã được sơ tán cùng vua Hàm Nghi và hoàng tộc, trong đó có 4 mũ vua triều Nguyễn.

Sau nhiều biến cố, kho báu này vẫn được những người trung thành bảo tồn và trở về dưới thời vua Khải Định, Bảo Đại. Sau khi được bàn giao cho Chính phủ cách mạng lâm thời VNDCCH (tháng 8/1945), nhiều ý kiến muốn tiêu hủy để lấy tiền bù đắp cho sự thiếu thốn ngân quỹ của Chính phủ mới vừa khai sinh. Nhưng chính phủ đã quyết giữ lại kho báu triều Nguyễn và bảo tồn nguyên vẹn suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, đến năm 1962, một chiếc ấn của Nam Phương hoàng hậu bị đánh cắp và phá hủy. Lập tức khối kho báu cùng 4 chiếc mũ vua triều Nguyễn phải đưa về bảo quản tại Ngân hàng Nhà nước. Đến năm 2007, kho báu hoàng gia mới được giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Lúc đó, 4 chiếc mũ vua triều Nguyễn đã hư hỏng nặng.

Hải Long

Bạn có thể quan tâm