Người phụ nữ 89 tuổi này mắc bệnh ung thư tủy xương hiếm gặp gọi là Waldenström's macroglobulinemia. Hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đã bị tổn hại do liệu pháp chữa trị làm suy giảm tế bào mà bà tiếp nhận khi đó, theo bài viết của nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Maastricht (Hà Lan) đăng trên tạp chí Clinical Infectious Diseases.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết phản ứng miễn dịch tự nhiên của bà vẫn có thể “đủ” để chống lại Covid-19, vì phương pháp điều trị ung thư “không nhất thiết dẫn đến căn bệnh đe dọa tính mạng”.
Bệnh nhân lần đầu nhập viện hồi đầu năm nay vì ho nhiều, sốt và xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo báo cáo, chỉ 5 ngày sau, bà được xuất viện vì “ngoài đôi lúc mệt mỏi dai dẳng, các triệu chứng của bà đã thuyên giảm hẳn”.
Tuy nhiên, hai ngày sau khi tiếp nhận hóa trị - thời điểm 59 ngày khi đợt Covid-19 đầu tiên bùng phát - người phụ nữ lại ho, sốt và khó thở.
Không có kháng thể nào được phát hiện trong hệ thống máu của bệnh nhân sau lần tái nhiễm. Ảnh: CNN. |
Một lần nữa bệnh nhân này được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, không có kháng thể nào được phát hiện trong máu của bà vào ngày thứ 4 và thứ 6 sau đó. Tình trạng của bệnh nhân xấu đi vào ngày thứ 8.
Hai tuần sau, người phụ nữ qua đời.
Cụ bà đã không được xét nghiệm giữa hai lần mắc Covid-19, vì vậy, các nhà nghiên cứu không thể xác nhận về các xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, khi kiểm tra các mẫu trong cả hai lần, họ nhận thấy cấu trúc gen của hai loại virus là khác nhau.
Do đó, họ kết luận rằng “có khả năng lần thứ hai mắc Covid-19 là một đợt tái nhiễm, chứ không phải là đợt nhiễm bệnh kéo dài”.
Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu cho biết việc tái nhiễm có thể xảy ra khi các kháng thể giảm và hệ thống miễn dịch suy yếu.
Đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo chết vì tái mắc Covid-19, dù đã có một số trường hợp tái nhiễm trên thế giới.
“Tái nhiễm SARS-CoV-2 đã được ghi nhận ở ít nhất 4 người trên toàn thế giới. Do đó, việc phơi nhiễm với SARS-CoV-2 lần đầu không nhất định sản sinh ra miễn dịch hoàn toàn”, các nhà nghiên cứu viết trong tạp chí về các bệnh truyền nhiễm nổi tiếng Lancet.