Vào ngày 21/5, Ủy ban Bình ổn và phát triển Tài chính Trung Quốc đã đưa ra các nhiệm vụ với cơ quan quản lý tài chính. Trong đó, việc đào và giao dịch Bitcoin đã bị cấm.
Ngay lập tức, chính quyền Nội Mông, nơi từng tập hợp nhiều mỏ đào Bitcoin lớn tại Trung Quốc, đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế chủ mỏ đào coin.
Hạ tín dụng xã hội, lập đường dây nóng để đối phó người đào coin
Theo South China Morning Post, chính quyền Nội Mông đã đưa ra dự luật để mạnh tay phạt những công ty viễn thông, Internet, công viên phần mềm hay thậm chí cả quán net có hành vi đào coin. Với dự luật này, những doanh nghiệp nói trên sẽ bị cắt điện, rút hoặc thậm chí thu hồi giấy phép nếu cung cấp tài nguyên cho những chủ trại coin.
Những chủ trại đào coin tại Tân Cương có thể bị hạ điểm tín dụng xã hội theo dự thảo luật mới. Ảnh: People Visual. |
Dự luật này cũng quy định người vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen điểm tín dụng xã hội, đồng nghĩa với không thể vay tiền từ ngân hàng hoặc sử dụng hạ tầng giao thông công cộng. Trước đó, chính quyền Nội Mông cũng công bố đường dây nóng để mọi người có thể gọi điện, báo cáo những trường hợp đào coin trái phép.
Theo số liệu của Trung tâm Tài chính thay thế thuộc đại học Cambridge, trước khi bị cấm các mỏ đào Bitcoin tại Nội Mông chiếm tới 8% năng lực đào toàn cầu.
Đào Bitcoin là ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Lượng điện tiêu thụ từ các máy đào Bitcoin trên toàn cầu đạt 21,36 TWh vào năm 2020, nhiều hơn cả nước Argentina. Nội Mông, cùng nhiều khu vực khác tại Trung Quốc như Tân Cương và Tứ Xuyên, có nhiều mỏ than đá và nhà máy nhiệt điện. Điện rẻ, ổn định là lý do nhiều trại coin được đặt tại các khu vực này.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Do vậy, đào Bitcoin là một trong những ngành bị nhắm đến đầu tiên.
Nhiệt điện, thủy điện là hai nguồn năng lượng chính cung cấp cho các trại đào coin Trung Quốc. Ảnh: People Visual. |
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc cấm giao dịch tiền mã hóa từ năm 2017, qua đó đẩy các sàn giao dịch như Binance, Huobi, và OkEx ra nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua nhà chức trách vẫn để các công ty và cá nhân đào Bitcoin hoạt động.
Dự thảo về mức phạt với các cá nhân và doanh nghiệp đào coin tại Nội Mông sẽ được bàn thảo tới ngày 1/6.
Thợ đào Bitcoin "tháo chạy" khỏi Trung Quốc
Ngoài việc tiêu tốn nhiều năng lượng, việc đào Bitcoin còn gián tiếp tạo áp lực lên các mỏ khai thác than tại Trung Quốc. Vào đầu tháng 4, một trận lụt ở mỏ than tại Tân Cương khiến cho 21 công nhân bị mắc kẹt. Sau khi giải thoát các công nhân và tiến hành điều tra, chính quyền khu tự trị này kết luận mỏ than hoạt động không phép để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vùng cho các trang trại coin.
Theo số liệu của đại học Cambridge, tới tháng 4 các trang trại Bitcoin ở Trung Quốc chiếm tới 65% hiệu suất toàn cầu. Trong đó, Tân Cương, Tứ Xuyên và Nội Mông là những khu vực có nhiều mỏ đào coin nhất thế giới. Với việc cấm đào Bitcoin trên cả lãnh thổ, rất có thể thị trường Bitcoin sẽ có biến động,
Ngay sau khi các quy định được ban hành, nhiều công ty đào Bitcoin lớn ở Trung Quốc đã tìm địa điểm mới. BTC.TOP, Huobi và Hashcow, các công ty chuyên đào coin, đều cho biết họ sẽ dừng các mỏ đào ở nội địa Trung Quốc.
Nhà máy đào Bitcoin của Bitmain tại Nội Mông, Trung Quốc đã dừng hoạt động. Ảnh: New York Times. |
"Một phần lớn năng lực đào coin biến mất khỏi mạng lưới sẽ khiến cho số phận Bitcoin biến động", Li Yi, giáo sư nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải cho biết.
Dù vậy, Whit Gibbs, CEO của công ty đào coin Compass Mining cho rằng việc giảm năng lực mạng lưới không phải quá tệ đối với Bitcoin. Khi máy đào Trung Quốc không còn hoạt động, những chủ trại coin ở các khu vực khác có thể kiếm thêm tiền.
"Bitcoin có cơ chế tự điều chỉnh dựa trên năng lực, cho phép mạng lưới vượt qua những giai đoạn như thế này. Năm nào các mạng lưới đào coin tại Trung Quốc cũng tạm ngừng ít nhất 2 lần để chuyển hoạt động giữa Tứ Xuyên và Nội Mông", ông Gibbs nhận xét.
"Chúng ta đang thấy thị trường tiền mã hóa đi theo hướng 'giải Trung Hoa'. Đầu tiên là ở các hoạt động giao dịch, và giờ là đào coin, sau một loạt hành động cứng rắn từ chính quyền Bắc Kinh để hạn chế tiền mã hóa", Wang Juan, Giáo sư về blockchain tại đại học Xian Jiaotong chia sẻ.
Tuần trước, giá Bitcoin lại sụt sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố mạnh tay với tiền mã hóa. Mức giá của đồng Bitcoin tăng nhẹ qua 40.000 USD trong ngày 26/5, trước khi tụt xuống trên 37.000 USD sáng 27/5.