Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người dân TP.HCM thoát cảnh sáng chiều qua ‘kênh thối’

Trước khi công trình cầu Bưng (Tân Phú - Bình Tân) được xây dựng, con đường đi làm của người dân giáp 2 quận cửa ngõ TP.HCM từng là nỗi ám ảnh vì chật hẹp, hôi thối.

Sáng đầu tuần, anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, công nhân khu công nghiệp Tân Bình) chậm rãi tấp vào lề mua ly cà phê trên đường Lê Trọng Tấn. Đây là lần hiếm hoi nam công nhân không phải hì hục trả số, lên ga để vượt từng chặng tắc đường như mọi ngày.

Trước mắt anh Tuấn, cây cầu Bưng (nối liền quận Tân Phú - Bình Tân) thẳng tắp. Những tiếng còi chói tai thôi inh ỏi, cảnh hàng trăm con người nhích từng chút một qua chiếc cầu cống xuống cấp, bốc mùi cũng không còn.

Hết cảnh cực hình

Nhớ lại ngày còn chiếc cầu cống chật hẹp, anh Nguyễn Minh Hưng đã bấm bụng thuê mặt bằng bán cà phê cách đoạn kênh 200 m (đường Lê Trọng Tấn). Thế nhưng cũng từ ngày chuyển đến, người đàn ông này phải tập quen với mùi hôi nồng nặc từ dòng kênh đen kịt nước.

“Người ta chỉ chạy xe ngang qua đã không chịu nổi mùi hôi thối, huống hồ những nhà sống ngày đêm ở đây. Gió thổi chiều nào thì hướng nhà bên đó chịu trận. Đến nỗi, dân ở đây phải gọi là con ‘kênh thối’”, nam chủ quán kể.

Ngoài mùi hôi gây ám ảnh, anh Hưng cho biết cầu cống cũ cũng là đoạn đường “đau khổ” của hàng trăm, nghìn công nhân hai khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc mỗi ngày đi làm. Không chỉ vậy, những lúc xe cấp cứu hú còi ầm ĩ, ai nấy đều sốt ruột nhưng “chẳng biết né chỗ nào”.

cau Bung anh 1

Anh Nguyễn Minh Hưng, kinh doanh cà phê gần dạ cầu Bưng. Ảnh: Thư Trần.

“Xe cấp cứu cứ hú, người đi đường muốn cũng không biết tránh làm sao, vì xe máy quá đông, đường lại chật cứng”, anh Hưng cho hay.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết khi cầu Bưng chưa được xây dựng, hoàn thành, hành trình đến nơi làm của người dân giáp hai quận Tân Phú, Bình Tân thường xuyên gặp tắc nghẽn.

“Kẹt xe buổi sáng lẫn chiều, do cầu cống vừa thấp, vừa nhỏ, công nhân mỗi chiều đổ về đã khiến đường bị kẹt dài, tôi thuê trọ gần nhưng ngày nào cũng tối muộn mới về đến nhà", anh Tuấn nói.

cau Bung anh 2

Hạng mục đường dân sinh dạ cầu dự kiến triển khai sau khi hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 2 doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sống trên tuyến đường Lê Trọng Tấn nhiều năm, anh Lê Đức Thật cho biết từ khi cây cầu thành hình, những hộ kinh doanh gần công trình như anh đã có thể yên tâm buôn bán.

“Vừa dọn hàng ra là bị đóng bụi, ngày nào cũng lau dọn, nhưng vừa ngơi tay thì bụi đã phủ nhám trở lại, ly cà phê đen đặt trên bàn một chốc nhìn lại đã thành cà phê sữa”, anh Thật nói.

Từ khi cầu Bưng xây mới khang trang, tuyến đường đã trở nên thông thoáng, sạch sẽ. Người dân xung quanh được thoát cảnh "cực hình".

Cửa ngõ thông thoáng

Công trình cầu Bưng khởi công năm 2017, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) làm chủ đầu tư. Ngày chứng kiến những hàng rào chắn đóng lại, 39 hộ dân trong diện giải tỏa một phần cùng hàng trăm hộ khác sống ven đường chờ từng ngày để thấy cây cầu hoàn thiện. Thế nhưng chỉ một năm thi công, dự án phải tạm ngừng vì vướng giải phóng mặt bằng.

Đến năm 2021, giữa lúc dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh, cầu Bưng vẫn được ngành giao thông xác định là công trình trọng điểm bắt buộc được thi công khi hầu hết dự án xây dựng khác trên địa bàn phải hoãn lại. Dự án sau đó được điều chỉnh phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng tái khởi động vào giữa năm 2021 và gấp rút thông xe nhánh cầu đầu tiên vào cuối năm.

Sau 5 năm "lận đận", cây cầu bắc qua kênh Tham Lương cuối cùng cũng hoàn thành khi vừa cho thông xe nhánh cuối cùng.

cau Bung anh 3

Tình trạng giao thông căng thẳng trên đường Lê Trọng Tấn hồi tháng 8/2020, trong thời gian cầu Bưng bị đình trệ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Bưng đã tạo tiền đề thuận lợi đồng bộ dự án Cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, hoàn thiện các dự án chỉnh trang đô thị, hài hòa giữa giao thông đường bộ, đường thủy. Mặt khác, công trình đã góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, nối kết liên vùng trong khu vực Tây Bắc của thành phố.

Để tiếp nối hiệu quả của công trình, ông Cường đề nghị chủ đầu tư giải quyết dứt điểm để đưa vào sử dụng đường dân sinh dạ cầu quận Tân Phú trong năm nay. Đồng thời, các đơn vị tổ chức nghiệm thu, bàn giao, duy tu bảo trì, thanh quyết toán dự án đúng quy định.

Ông Cường cũng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương triển khai, khởi công các dự án kết nối cửa ngõ Tây Bắc thành phố như dự án nâng cấp quốc lộ 22, mở rộng đường Nguyễn Thị Tú, xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đặc biệt là triển khai dự án vành đai 3", ông Bùi Xuân Cường nói.

Cách cầu Bưng 5 km, cầu Tân Kỳ - Tân Quý, nằm trên trục đường Tân Kỳ Tân Quý, bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát cũng được người dân chờ đợi nhiều năm liền.

Công trình này được khởi công 4 năm trước với vốn đầu tư 312 tỷ đồng theo hình thức BOT. Tính đến cuối năm 2018, dự án hoàn thành 70% rồi tạm dừng thi công đến nay do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Mới đây, dự án được chấp thuận điều chỉnh kinh phí lên gần 500 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư sắp được tái khởi động, giúp giải tỏa nút thắt kẹt xe vào giờ cao điểm gần 10 năm qua tại nơi này.

Cùng với cầu Bưng, cầu Tân Kỳ - Tân Quý khi hoàn thành được thành phố kỳ vọng dần thay bộ mặt hạ tầng Tây Bắc. Còn với những công nhân như anh Tuấn hay hàng trăm, nghìn người lao động sống quanh khu cửa ngõ, họ sẽ có thêm hy vọng về một cây cầu mới, giúp con đường đi làm đỡ vất vả hơn.

cau Bung anh 4

Vị trí cầu Bưng và cầu Tân Kỳ Tân Quý. Ảnh: Google Maps.

Hoàn thành cây cầu 500 tỷ giáp hai quận cửa ngõ TP.HCM

Toàn bộ hai nhánh cầu Bưng nối quận Tân Phú và Bình Tân đã hoàn thành, được đưa vào thông xe sau 5 năm kể từ khi khởi công.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm