Từ năm 2000 đến nay, toàn TP.HCM có gần 168.140 hộ dân hiến gần 5,4 triệu m2 đất, tương ứng số tiền hơn 10.050 tỷ đồng. Số đất phục vụ cho 5.230 công trình, trong đó 3.874 công trình mở rộng hẻm, 1.237 công trình mở rộng đường và 119 công trình khác.
Ngoài diện tích đất được hiến để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng.
Nội dung được báo cáo tại Hội nghị Tổng kết vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm tại TP.HCM từ năm 2000 đến nay, diễn ra sáng 14/7.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận sau hơn 20 năm, việc hiến đất mở hẻm không chỉ cải thiện đời sống người dân, tăng giá nhà ở mà còn thể hiện tinh thần người thành phố. "Đất ở TP.HCM là đất vàng, đất kim cương nhưng bà con sẵn sàng hy sinh", ông Phan Văn Mãi nói.
Hộ kinh doanh trong hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát đồng ý cắt vào phần đất trên bậc thềm (hơn 0,5 m) để mở rộng hẻm. Ảnh: Ý Linh. |
Lãnh đạo thành phố nhìn nhận việc nhiều bà con nhiệt tình ủng hộ nhưng cũng có những người chưa đồng thuận do diện tích nhà ở ít, chịu ảnh hưởng lớn khi hiến đất mở hẻm. Ông Mãi đề nghị Sở Xây dựng phối hợp xem xét, tham mưu cơ chế tài chính hỗ trợ, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.
"Thành phố sẽ tính đến cơ chế tài chính để hỗ trợ người dân, dựa trên nguyên tắc hài hoà lợi ích kinh tế các bên", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Trước năm 2000, TP.HCM có nhiều đường, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Diện tích hẻm hẹp đã khiến nhiều trường hợp xe cấp cứu, chữa cháy không thể tiếp cận khẩn cấp.
Tình hình cấp bách này khiến TP.HCM gấp rút vận động người dân hiến đất, mở rộng hẻm trên toàn thành phố. Song, các tuyến đường, hẻm do người dân hiến đất để mở rộng còn giới hạn, chỉ đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn ngắn và chưa đảm bảo quy hoạch.
Các hộ đầu hẻm không được hưởng lợi từ việc mở rộng hẻm. Việc xẻ dọc nhà dẫn đến phá vỡ kết cấu công trình, làm giảm giá trị phần đất còn lại và dẫn đến việc vận động khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều hộ do không có giấy tờ nên việc xác định pháp lý đền bù gặp khó khăn. Một số chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở còn bất cập. Ngoài ra, nhiều văn bản hướng dẫn đền bù giải tỏa chưa phù hợp, thiếu thống nhất, khó áp dụng thực tiễn.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã, phường, thị trấn tại TP.HCM có ít nhất một công trình chỉnh trang, mở rộng hẻm, đường có lộ giới dưới 2 mét, Thành ủy TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận bổ sung, ban hành Thông tư quy định chi tiết Luật Đất đai. Đồng thời, thành phố kiến nghị Bộ TN&MT quy định chi tiết nghị định, hướng dẫn, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.