Chiều 30/12, ngày cuối cùng làm việc năm 2016, nhiều người dân rục rịch về quê sớm nghỉ Tết Dương lịch, các chuyến bay hoạt động tần suất cao hơn tại nhà ga Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Tại TP.HCM:
Cảnh máy bay xếp hàng cất cánh đầu giờ chiều ngày 30/12 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Kể từ nay đến Tết Đinh Dậu, Vietnam Airlines sẽ bổ sung thêm gần 900 chuyến bay, tương ứng hơn 185.000 ghế, nâng tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng đường bay nội địa trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán lên đến hơn 1,6 triệu ghế, tăng khoảng 13% so với thường lệ và tăng 46% so cùng kỳ năm 2016. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.
Máy bay của các hãng hàng không cũng liên tục hạ và cất cánh, nhiều hơn so với ngày thường. Theo thông báo từ Vietnam Airlines, hãng này sẽ tăng các chuyến giữa Hà Nội và TP.HCM khoảng 327 chuyến, giữa TP.HCM-Đà Nẵng là 190 chuyến và giữa TP.HCM-Huế khoảng 136 chuyến. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.
Cửa ngõ ra vào sân bay trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, hàng trăm ôtô nối đuôi nhau ùn ứ không thể di chuyển. Ảnh: Hải An.
Trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn, cảnh người dân ôm đồm hàng hóa xuất hiện nhiều hơn bình thường. Do hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của năm 2016, nhiều chị em vội vã về quê sớm để tránh cảnh ùn tắc vào cuối buổi có thể xảy ra. Ảnh: Lê Quân.
Tại bến xe Miền Tây, lượng khách không đông như những dịp nghỉ lễ trước đây. Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây cho biết lượng khách tính đến 17h chiều nay mới chỉ có 27.000 lượt, tăng nhẹ 20% so với ngày này năm ngoái. "Ngày mai mới là ngày cao điểm, dự đoán sẽ có khoảng 47.000 - 49.000 lượt hành khách đến bến về quê", ông nói. Ảnh: Tùng Tin.
Nhiều người dự đoán do khá cận dịp Tết nguyên đán nên nhiều người ở lại thành phố đến khoảng 3 tuần nữa về quê một thể. Ảnh: Tùng Tin.
Nhân dịp này nhiều hành khách mang theo đồ dùng mới sắm về quê chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Liêu Lãm.
Tại Hà Nội:
Nhiều ngả đường dẫn từ trung tâm thành phố ra ngoại thành Hà Nội kẹt cứng ngay từ 12h trưa 30/12. Khu vực dọc trục đường trên cao vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, ôtô và xe máy đi lẫn vào làn của nhau một cách lộn xộn.
15h50 tại đường Phạm Hùng, đoạn gần bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), mặc dù đèn tín hiệu hoạt động, không phải giờ cao điểm nhưng khu vực này bị rối loạn giao thông. Các phương tiện mạnh ai nấy đi, không nhường nhau. Ảnh: Lê Hiếu.
Dọc trục đường Phạm Hùng, xe cộ nối đuôi nhau nhích từng vài chục cm. Ảnh: Lê Hiếu.
Lãnh đạo đội CSGT số 6 cho biết đơn vị đã tăng cường quân số, túc trực tại các con đường vốn là điểm nóng như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng để giảm ùn tắc nhưng không xể do lưu lượng phương tiện chiều nay quá lớn. Ảnh: Tiến Tuấn.
Bên trong bến xe Mỹ Đình, nhiều hành khách không thể lên được ôtô ngay để về quê, phải đợi hàng giờ. Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Tuấn Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết sau khi di dời 5 tuyến Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Nam, Nghệ An, Ninh Bình về bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, lượng khách đổ về đây đã giảm đi so với các năm trước. Ảnh: Lê Hiếu.
Ngày hôm nay, với 900 xe đang hoạt động, bến Mỹ Đình đón khoảng 30.000 lượt khách. Một số hành khách lỡ đến bến để đi về 5 tỉnh không còn xe hoạt động, bến xe phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội tăng cường 30 xe buýt đưa đón khách miễn phí về hai bến Giáp Bát và Nước Ngầm. Ảnh: Lê Hiếu.
Một gia đình đi xe máy chở nhiều hàng hóa phía sau thẳng tiến ra khỏi nội đô nhưng gặp nhiều khó khăn do các ngả đường đều bị ùn ứ. Ảnh: Tiến Tuấn.
Tại bến xe Giáp Bát, nhiều hành khách cũng gặp khó khăn khi kiếm được xe về quê. Bé Tài (9 tháng tuổi) ngủ gục trên vai mẹ khi xếp hàng lên ôtô về Thái Bình. Ảnh: Tiến Tuấn.
Trong quá trình đánh bắt cá trên biển, hai thuyền viên trên tàu cá ở tỉnh Bạc Liêu xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau, khiến một người chết, một người bị thương...