Gặp Pascal Lefebvre trong một chiều cuối tháng 7, khi những đoàn du khách đến Mũi Né đã thưa dần, người đàn ông Pháp tóc hoa râm nhìn lên một bức ảnh lớn treo trên tường.
"Bức ảnh này do chính tay tôi chụp. Phan Thiết đó, Phan Thiết lúc nào cũng đẹp như thế", Pascal trầm ngâm.
Không khó để người dân địa phương bắt gặp ông với chiếc máy ảnh lớn, thong dong tìm chụp những cảnh đẹp, loại chim quý, những hoa thơm trái ngọt đặc trưng của vùng nhiệt đới.
Trung tâm dạy lướt ván đầu tiên ở Phan Thiết
Đến Phan Thiết từ năm 1995 và thấy được tiềm năng phát triển du lịch biển của Mũi Né, Pascal Lefebvre đã quyết định ở lại Việt Nam kinh doanh. Năm 2000, ông chính thức mở Jibe's, trung tâm dạy các môn thể thao biển như lướt sóng, lướt ván diều, lướt ván buồm đầu tiên ở Phan Thiết.
Pascal Lefebvre (trái) là chủ của Jibe's và Adie Casket (phải) là người trực tiếp quản lý toàn bộ các hoạt động liên quan đến thể thao biển ở đây. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lướt sóng và các môn thể thao biển đang ngày càng trở nên phổ biến ở khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết nhờ điều kiện thiên nhiên thuận lợi.Tuy nhiên hoạt động mới mẻ này lại hoàn toàn được mang đến và phát triển bởi những vị khách như Pascal chứ không phải người dân địa phương.
"Ban đầu người dân địa phương rất tò mò về dịch vụ này. Họ chưa từng thấy bộ môn lướt ván trước đó", Pascal nhớ lại.
Quản lý của Jibe's, anh Adie Casket, 45 tuổi (quốc tịch Anh), người đã sống ở Phan Thiết 16 năm cho biết: "Thời tiết Mũi Né rất hoàn hảo cho thể thao biển. Những cơn gió lớn và ổn định, bãi biển dài và nắng ấm quanh năm là những điều kiện phù hợp để phát triển các bộ môn này, thế nhưng khi đó không có ai nhận ra".
Chất lượng thiết bị, dụng cụ là một trong những yêu tố quan trọng để thu hút nguồn khách hàng chuyên nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Adie cũng cho biết, sau khi Jibe's được mở ra được vài năm, nhiều công ty nhận ra họ cũng có thể thu được lợi nhuận từ lĩnh vực này ở Phan Thiết.
"Ngày càng nhiều trung tâm được mở ra. Đa số là các trung tâm dạy lướt ván diều, có 3-4 trung tâm dạy lướt ván buồm, thế nhưng đa phần họ chỉ mở cửa theo thời vụ, tập trung vào những tháng du khách đông", anh Adie thông tin thêm.
Trở lại Mũi Né vì thể thao biển
Đó là đánh giá của Adie, anh cho rằng lý do đưa khách du lịch quay trở lại Mũi Né hàng năm một phần là nhờ hoạt động thể thao ngày càng phát triển.
Mũi Né được đánh giá là nơi có điều kiện thuận lợi nhất Việt Nam trong phát triển thể thao biển. Ảnh: Pascal Lefebvre. |
Ông Pascal chia sẻ vào những mùa cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, trung tâm của ông đón rất nhiều khách từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan...
"Khách Hàn và Nhật có khi họ đến Mũi Né và ở lại cả tuần chỉ để lướt sóng, chơi những môn thể thao biển. Người Nhật thường đến Hawaii chơi, thế nhưng chi phí và dịch vụ ở đó lại đắt đỏ, trong khi ở đây tất cả dịch vụ, khách sạn, đồ ăn lại rẻ hơn rất nhiều. Chính vì vậy ở đây thu hút khá nhiều khách châu Á", Pascal giải thích.
Với số lượng lớn giáo viên bao gồm cả người nước ngoài và giáo viên trong nước, trung tâm có thể dạy cả người Việt và khách du lịch nước ngoài. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Vào những mùa cao điểm từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm, trung bình mỗi ngày giáo viên ở trung tâm của Pascal dạy từ 5-6 học viên, mùa thông thường có khoảng 2 học viên mỗi ngày.
"Nhiều du khách chỉ đến đây vào các kỳ nghỉ và không có ý niệm gì về thể thao biển. Tuy nhiên khi ở tại các resort xung quanh, họ bị hấp dẫn bởi người chơi khác và muốn thử, đặc biệt với bộ môn lướt ván diều". Adie kể.
Ngày càng nhiều người Việt quan tâm và học chơi các môn thể thao biển. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bước đi tiềm năng còn bỏ ngỏ
Sự kiện Festival Thuyền buồm quốc tế năm 2011 do Pascal cùng một số doanh nhân khác và UBND tỉnh Bình Thuận đồng tổ chức.
Anh Trương Kỳ Tài, 33 tuổi là một trong số hiếm hoi những người ở Phan Thiết là vận động viên thể thao biển chuyên nghiệp. Ảnh: Pascal Lefebvre. |
Nói với Zing.vn, Ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Bình Thuận cho biết tỉnh có kế hoạch phát triển để trở thành trung tâm thể dục thể thao biển mang tầm quốc gia. Mặc dù đã có một số trung tâm đào tạo tư nhân song chính quyền tỉnh vẫn đang hướng đến việc xây dựng một trung tâm công cộng của địa phương.
"Phan Thiết được biết đến là thành phố du lịch có công đồng người Nga cũng như các quốc gia Đông Âu đến du lịch và sinh sống đông đảo. Nhóm du khách này đến Phan Thiết chủ yếu là do điều kiện thời tiết nắng ấm, gió lớn và họ có thể chơi lướt ván thỏa thích", ông Huy nói. Nhiều người Nga sinh sống ở đây với công việc dạy các môn thể thao biển cũng như các dịch vụ liên quan đến thể thao biển.
Cậu bé được những con sóng nuôi lớn
Hơn 10 năm gắn bó với lướt sóng, Trương Kỳ Tài đã trở thành một vận động viên chuyên nghiệp, một con đường khác với nhưng công việc của những người đàn ông sống ở làng chài. Ảnh: Pascal Lefebvre. |
Nhiều thanh thiếu niên bản địa, những người sinh ra và lớn lên ở làng chài đã bắt đầu nhìn ra biển theo một cách mới, khác với người cha làm nghề đánh bắt cá. Họ không còn nhìn thấy những mẻ cá, họ thấy những con sóng lớn, đó là cơ hội để trở thành những vận động viên chuyên nghiệp.
Anh Trương Kỳ Tài, 33 tuổi, đã lướt sóng ở Hàm Tiến trong 10 năm. Anh không chỉ chứng kiến sự phát triển của lướt sóng ở quê hương mình mà còn là một trong những người Việt Nam bắt đầu ra biển để chinh phục những con sóng.
"Những công ty như Jibe's xuất hiện đã tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người địa phương. Họ bắt đầu học cách lướt ván, đến nay họ có thể dạy học, có người đi thi đấu các giải lớn, hay có người khác cũng ra ngoài và mở cơ sở kinh doanh riêng. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ họ", Adie chia sẻ.
Adie cùng hai vợ chồng anh Trương Kỳ Tài, chị Trần Kim Chi. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với dáng người nhỏ bé, ít ai nghĩ chị Trần Kim Chi lại là người có thể làm chủ những chiếc ván diều cỡ lớn để lướt băng băng trên mặt nước.
Người phụ nữ 30 tuổi với làn da nâu khỏe khoắn, rắn rỏi của người miền biển không giấu sự hài lòng về công việc của mình. "So với những công việc khác của phụ nữ ở đây, làm việc ở trung tâm này có thể xem là ổn định hơn. Lương ở mức cơ bản, đủ để chăm lo cho gia đình", chị chia sẻ.
Tuy nhiên, chị cũng khẳng định: "Làm công việc này cần có sự đam mê với lướt sóng, chinh phục những con sóng, ngoài ra còn phải là người thích mạo hiểm, thử thách".
Những người phụ nữ như chị Kim Chi hoàn toàn có thể làm chủ những con sóng. Ảnh: Pascal Lefebvre. |
Ở Jibe's, tôi cũng gặp Bảo, một cậu bé khoảng 4-5 tuổi, Bảo là con trai của chị Chi và anh Tài. Cậu bé thường xuyên theo bố mẹ đến chỗ làm và được tiếp xúc với những bộ môn thể thao biển từ sớm.
Cũng lớn lên ở Mũi Né nhưng có lẽ Bảo sẽ có một tuổi thơ khác về biển, sẽ không còn là những chiếc thuyền ra khơi và trở về với ăm ắp cá. Tuổi thơ của Bảo sẽ là những chiếc ván buồn, ván diều đầy màu sắc nhấp nhô trên biển.