Bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu sau khi nói chuyện trong lúc ăn. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam chiều 28/1, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (nam, 63 tuổi, trú tại Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vào viện lúc 19h50 ngày 27/1 trong tình trạng cấp cứu.
Trước đó, khi ăn tại nhà, bệnh nhân ăn lòng luộc trong lúc nói chuyện, không để ý và bị sặc. Người bệnh rơi vào tình trạng khó thở, ho sặc sụa, da tím tái, tím môi và tím đầu chi.
Gia đình phải nhanh chóng đưa người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cấp cứu. Ê-kíp bác sĩ trực nhận định đây là trường hợp suy hô hấp cấp do dị vật đường thở và ngay lập tức gắp dị vật qua đèn soi nội khí quản.
Quá trình cấp cứu kéo dài khoảng 10 phút. Các bác sĩ gắp thành công dị vật dài 25 cm là đoạn lòng luộc nằm giữa 2 dây thanh quản ra ngoài. Sau khi lấy dị vật, bệnh nhân tỉnh, thở đều, da môi hồng hào.
Theo BS Nguyễn Hữu Thương, Phó trưởng khoa Cấp Cứu, các trường hợp mắc dị vật đường thở rất nguy hiểm, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc nhanh chóng xác định được vị trí dị vật mắc và nội soi gắp dị vật rất quan trọng, quyết định đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.