Andrew Tate bị bắt giữ cùng em trai, Tristan, sau khi cảnh sát đột kích nhà của họ ở thủ đô Romania. Ảnh: Reuters. |
Andrew Tate bị bắt giữ cùng em trai, Tristan, sau khi cảnh sát đột kích nhà của họ ở thủ đô Bucharest của Romania, BBC đưa tin.
Influencer vốn gây nhiều tranh cãi trên mạng này được cho là đã bị giam giữ ở Romania trong khuôn khổ một cuộc điều tra buôn người và hiếp dâm.
Một luật sư của hai anh em đã xác nhận việc họ bị giam giữ, Reuters cho biết.
Andrew Tate, cựu võ sĩ kickboxing người Mỹ gốc Anh nổi tiếng vào năm 2016 khi anh bị loại khỏi chương trình truyền hình Big Brother của Anh vì một đoạn video cho thấy anh tấn công một phụ nữ.
Tate gây chỉ trích dữ dội khi nêu quan điểm rằng nạn nhân bị hiếp dâm phải “chịu trách nhiệm” về vụ tấn công nhắm vào chính họ.
Tổng cục Điều tra tội phạm có tổ chức và khủng bố (DIICOT) của Romania đã đưa ra tuyên bố, nhưng không nêu tên anh em Tate, nói rằng hai công dân Anh và hai công dân Romania bị tình nghi là thành viên của một nhóm tội phạm chuyên buôn người.
Cơ quan này cũng công bố video về cuộc đột kích, cho thấy súng, dao và tiền được trưng bày trong một căn phòng.
Tate bị chỉ trích vì làm video chia sẻ nội dung sai lệch về phụ nữ. Ảnh: @cobratate. |
Tự nhận là chuyên gia về phát triển bản thân, Tate cung cấp cho người theo dõi, chủ yếu là nam giới, công thức kiếm tiền và lôi kéo các cô gái.
Chỉ trong vài tháng, Andrew Tate từ kẻ vô danh trở thành nhân vật tai tiếng trên mạng xã hội nhờ nội dung gây sốc, phản cảm và lệch lạc về phụ nữ.
Tate từng nêu qua điểm gây sốc rằng rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà, không được lái xe và là tài sản của đàn ông.
Trong các clip khác đăng trên mạng xã hội, Tate tạo dáng trên ôtô chạy tốc độ cao, chụp ảnh với súng và vào vai tay chơi hút xì gà.
Người đàn ông này thản nhiên nói về việc đánh đập, làm nghẹt thở, ném đồ đạc của phụ nữ vào thùng rác và cấm họ ra ngoài.
Tate sau đó đã bị cấm trên các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube, Facebook, Instagram và TikTok.
Tuy nhiên, các bài đăng của Tate trên các trang web trực tuyến khác vẫn quảng bá sự ghét bỏ phụ nữ và nhắm mục tiêu vào phụ nữ với hàng triệu lượt xem.
Đầu năm nay, BBC từng cảnh báo những nội dung này "làm dấy lên lo ngại về tác động trong thế giới thực mà nó có thể gây ra".