Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông mù đi xe máy hàng trăm km mưu sinh

Mù cả hai mắt nhưng anh Hậu đã tập đi xe máy để cùng vợ, con lưu lạc khắp nơi mưu sinh kiếm sống.

Người đàn ông mù đi xe máy hàng trăm km mưu sinh

Mù cả hai mắt nhưng anh Hậu đã tập đi xe máy để cùng vợ, con lưu lạc khắp nơi mưu sinh kiếm sống.

Lê Đình Hậu sinh ra tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình có 8 người con. Là con út trong nhà nên Hậu được nuông chiều. Thế nhưng, bất hạnh sớm đến với cậu bé khi năm lên 4 tuổi, Hậu gặp tai nạn kinh hoàng, bị mù vĩnh viễn.

Clip người đàn ông mù đi xe máy bán tăm.

Đó là vào một ngày hè năm 1983, hôm đó người anh cả là Lê Đức An đi chăn trâu ngoài đồng Truông gần nhà, nhặt được một quả đầu đạn. Tò mò, An đưa về nhà để chơi. Người anh thứ 7 là Lê Văn Hoàng đưa quả đầu đạn này ra đập. Thấy vậy, Hậu cũng lại gần xem, trong khi đang ghé mắt nhìn vào không ngờ quả đạn phát nổ.

“Khi tôi đang chăm chú nhìn xem bên trong đầu đạn thế nào thì bất ngờ phát ra tiếng nổ vang. Người tôi bê bết máu nằm bất tỉnh ngay tại hiện trường, còn anh Hoàng thì bị thương ở ngực. Tôi được đưa xuống bệnh viện, sau hàng tháng trời điều trị cuối cùng cũng được xuất viện nhưng đôi mắt thì không còn".

Chân dung người đàn ông mù biết đi xe máy Lê Đình Hậu.

Được ít ngày sau khi ra viện, Hậu lại đón nhận thêm bi kịch khi bố anh sau một thời gian dài lâm bệnh nặng cộng với cú sốc hai đứa con bị thương khiến ông lao kiệt rồi qua đời. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người mẹ lo cho gần chục miệng ăn, nên Hậu cũng không được quan tâm chăm sóc nhiều. Chuyện đi học lại càng xa vời.

Gia đình đông con, các anh chị lớn lên lần lượt phải đi mưu sinh kiếm sống nên Hậu càng thấy mình lẻ loi. Không cam chịu cảnh sống bó gối ngồi nhà, năm 12 tuổi, Hậu nảy sinh ý định “điên rồ” là tập đi xe đạp. Từng vài lần được anh trai chở xe đạp đi dạo quanh làng nên Hậu nghĩ mình đi được xe đạp thì sẽ khuây khỏa hơn.

“Hồi đó tôi phải năn nỉ mãi anh Hoàng mới tập cho tôi đi xe đạp. Tuy nhiên, những ngày đầu do không quen nên ngã suốt, chân tay trầy xước, rách toạc nhưng tôi vẫn không nản chí và cuối cùng thì cũng đi được thành thạo từ nhà ra đường lớn”, anh Hậu chia sẻ.

Cứ thế, Hậu nhờ bạn bè làm hoa tiêu đạp xe đi xung quanh đường làng ngõ xóm. Nhiều lần bị bạn chơi xấu, Hậu lao xe xuống ruộng, bẩn hết và òa khóc nhưng rồi cũng phải nín vì nếu không thì chẳng có ai làm hoa tiêu để tập đi xe. Đến năm 13 tuổi, Hậu đến ở nhà người anh thứ 4 tên là Lê Ninh để giữ cháu.

Anh Hậu bị mù mắt từ năm lên 4 tuổi. Đến nay, hàng ngày, vợ chồng anh chị vẫn phải đi xe máy bán tăm mưu sinh, kiếm sống. Trong ảnh, anh chị đang chuẩn bị lên đường đi bán tăm.

“Thời đó, anh Ninh có một chiếc xe máy Cub 79, anh thường hay chở tôi trên chiếc xe này mỗi khi về nhà mẹ hoặc đi có việc. Lúc đó trong đầu tôi lại nảy sinh ý định đi xe máy. Thế là các số tiến, lùi tôi đều ghi nhớ trong đầu để khi nào có cơ hội tập đi cho nhanh”, anh Hậu cho biết. Một buổi trưa hè, nhân lúc gia đình anh trai ngủ, anh Hậu lấy chìa khóa mang xe máy chạy thử.

Khi thấy anh Hậu bị mù mà đi xe máy được quanh làng, rất nhiều người đổ xô ra xem. Do trước đó anh đã thành thạo đi xe đạp nên những chướng ngại vật như ổ gà, ổ voi anh đều biết tránh. Chuyện "thằng Hậu lấy xe máy anh trai đi khắp làng" nhanh chóng đến tai người anh trai. Thế là Hậu bị lĩnh một trận đòn nhừ tử.

Từ đợt đó, chàng trai mù Lê Đình Hậu đã bôn ba khắp nơi kiếm sống. Năm 19 tuổi, nhờ tiền tích cóp cộng với việc vay mượn, Hậu mua được chiếc xe máy để mưu sinh. Lúc này trình độ đi xe máy của “chàng mù” cũng đã tiến bộ.

Chị Lợi là người vợ, "hoa tiêu" chỉ đường cho anh trong suốt thời gian đi bán tăm kiếm sống.

Có xe máy, Hậu nhờ một người cháu con anh trai ngồi phía sau điều khiển tập thành thạo rồi tự mình lấy hàng gồm tăm, đũa, chổi đi bán rong khắp nơi để kiếm sống. Cứ thế, người dân trong vùng hàng ngày đã quen thuộc hình ảnh người chú mù đi xe máy chở cháu đi bán tăm khắp nơi. 

Để có thể đi được hàng ngàn km bán tăm mưu sinh kiếm sống, chàng mù Lê Đình Hậu đã nghĩ ra tuyệt chiêu để điều khiển xe máy. Cụ thể, giữa người điều khiển xe máy (anh Hậu) và người ngồi sau (gọi là hoa tiêu) phải thống nhất các ký hiệu. Người ngồi phía sau để tay vào hai bên mạng sườn anh Hậu, khi nào đi tới thì đẩy về phía trước, lùi phía sau thì giật lại, rẽ trái thì bấm bên trái...

Với những ký hiệu đã thống nhất từ trước, anh Hậu đã rong ruổi không ngừng trên các ngả đường để mưu sinh kiếm sống. Năm 2000, nhờ chị gái lấy chồng về làng trên mai mối, anh Hậu đã nên duyên chồng vợ với chị Trần Thị Lợi (SN 1974, người cùng xã). Tính đến nay, hai vợ chồng đã có với nhau 5 con, đứa lớn nhất sinh năm 2001, đứa bé sinh năm 2011.

Từ khi có chị Lợi về làm vợ, người cháu rồi cũng phải lo việc học hành chuẩn bị cho tương lai nên chị thay thế làm “hoa tiêu”. “Những ngày đâu ngồi trên xe anh ấy đi bán tăm tôi cũng sợ lắm, nhưng riết dần rồi quen. Hàng ngày, vợ chồng tôi lấy tăm ở đại lý rồi rong ruổi khắp nơi kiếm sống”, chị Lợi chia sẻ.

Vợ chồng anh Hậu trên đường đi bán tăm.

Tính đến nay, vợ chồng anh Hậu đã đi rất nhiều tỉnh để bán tăm như TP. Vinh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình; thậm chí là vào tận miền Nam, Đà Lạt.

Khi được hỏi liệu có khi nào bị cảnh sát giao thông thổi còi, anh Hậu chia sẻ: “Mỗi lần nhìn thấy CSGT phía trước là vợ tôi lại bấm ra hiệu cho tôi dừng lại, chờ họ đi rồi mới dám đi qua. Sau này tôi bắt vợ học lái xe, lấy bằng lái để khi gặp công an thì thay tôi lái qua đoạn đó. Tuy nhiên, vợ tôi yếu nên cuối cùng vẫn tôi điều khiển là chính. Cũng có vài lần bị công an bắt nhưng xin họ rồi họ cũng thông cảm cho hoàn cảnh mà bỏ qua nhưng không quên nhắc nhở lần sau không được mạo hiểm như thế”.

Anh Hậu cùng vợ con trong ngôi nhà tồi tàn của mình.

Anh Hậu cũng cho biết, có nhiều lần anh cảm thấy sợ hãi vì suýt gây tai nạn. Anh vẫn nhớ mãi lần suýt chết năm 2008, đợt đó hai vợ chồng anh bán tăm ở Cửa Lò xong thì lên TP. Vinh lấy hàng chuẩn bị cho ngày hôm sau. Vừa đi được một đoạn đường thì trời đổ mưa. Sợ về tối, vợ chồng anh vẫn băng mưa đi một mạch về Vinh, khi đến ngã tư quán Bánh (xã Nghi Kim, TP. Vinh) thì suýt xảy ra tai nạn. “Lúc đó có một người đi từ bên phải bất ngỡ rẽ sang đường, cũng may vợ tôi ra tín hiệu kịp thời chứ không thì chắc cũng bỏ mạng rồi.

Suốt thời gian gần 15 năm đi xe máy mưu sinh kiếm sống, anh Lê Đình Hậu từng bị tự ngã xe trầy xước chân tay nhưng chưa bao giờ gây ra tai nạn. Người dân nơi đây vẫn gọi anh với những cái tên tỏ vẻ đầy thán phục như “siêu nhân”, “thần mù”...

Trao đổi về trường hợp anh Lê Đình Hậu, ông Võ Đức Cai, Phó chủ tịch xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Tôi phản đối việc mù mà đi xe máy, ban công an xã nhiều lần nhắc nhở anh Hậu. Chúng tôi mới cũng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt lần nào vì hoàn cảnh anh Hậu khá khó khăn, đông con, nhà nghèo lại đang nuôi mẹ già yếu. Thực tế thì anh Hậu chưa khi nào gây tai nạn nên việc xử lý là rất khó. Chúng tôi cũng đã nghĩ tới biện pháp thu xe anh Hậu”.

Ngoài đi xe máy bán tăm, người đàn ông mù còn làm nhiều việc nhà giúp đỡ vợ.

Khi được hỏi mong muốn của mình, anh Hậu chia sẻ: “Đi thế này nguy hiểm lắm chứ, nhưng vì cuộc sống nên phải liều mình. Tôi mong muốn có một số vốn, trả hết nợ ngân hàng rồi sau đó tìm việc làm phù hợp như chăn nuôi chẳng hạn. Nếu được hỗ trợ thì tôi sẽ bỏ nghề đi xe máy bán tăm”.

Phạm Hòa

Theo Infonet

 

Phạm Hòa

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm