Người thầy duy nhất là… chiếc đài
Tránh xa những tiếng khoan, nổ chát chúa từ bãi đá với những cỗ máy xẻ công suất lớn, ngôi nhà nhỏ của người nghệ sĩ mù Lê Hồng Triệu (sinh năm 1947) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thôn Tam Quy, xã Hà Tân, Hà Trung (Thanh Hóa). Cách nhà ông một quãng xa đã nghe thấy những làn điệu chèo thắm thiết, lắng có tiếng xe máy lạ vào nhà ông Triệu nhanh nhẹn đứng dậy bước ra cửa chào khách, thoạt nhìn, ít người biết ông bị khiếm thị bởi những hành động rất chuẩn xác.
Ông Triệu cười vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về nơi phát ra âm thanh tha thiết kia: “Ông mắc ở hai đầu nhà hai chiếc loa rồi nối với chiếc điện thoại này đây. Ngày nào ông cũng mở cho vui cửa vui nhà, trong này có nhiều bài hát hay lắm đấy”.
Tiếp xúc với người nghệ sĩ già “nghèo hai con mắt” mới thấy rõ sự lạc quan trong con người tàn mà không phế này. Ông Triệu nhắc lại câu chuyện buồn khi ông mới 2 tháng tuổi bị chảy máu cam, nhưng lúc đó còn chiến tranh, một viên thuốc cũng hiếm, gia đình không kịp chạy chữa dẫn đến chạy hậu khiến ông phải làm bạn với bóng tối suốt cả đời.
Kể xong ông lại cười lớn và bảo: “Nhưng chưa bao giờ tôi biết buồn là gì, ngày xưa còn bé nhà đông anh em nên vui lắm, tôi là anh lớn của 7 đứa em cả trai lẫn gái, lớn lên thì có sáo nhị làm bạn rồi”. Ông chỉ tiếc tuổi thơ của mình thiếu đi những trò chơi quê như chăn trâu, đánh đáo mà thôi.
Ông Triệu có biệt tài sử dụng tới ba chiếc điện thoại. |
Cuộc đời ông Triệu cứ bình lặng trôi qua cho đến năm 14 tuổi, cậu bé Triệu những chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam mê hoặc. Cậu thấy thích thú và tò mò về tiếng đàn, tiếng nhị, những điệu chèo hơn cả việc ăn ngủ. Thế là cậu bé khiếm thị bắt đầu dò dẫm tới âm nhạc, sẵn trong nhà có cây đàn măngđôlin của người cha đem từ chiến trận về, hàng ngày cậu say sưa tập chơi đàn. Những phím đàn khô cứng, sai nhịp theo ngón tay không biết bao lần tứa máu cuối cùng cũng mềm mại hơn, từng nốt nhạc lúc trầm lúc bổng hay dần lên.
Thấy đứa con trai không may mắn bị số phận bạc đãi tìm được niềm vui trong âm nhạc, bố ông - một người đam mê hát tuồng lúc nào cũng động viên con làm gì cũng phải “văn ôn võ luyện, dù mình có bị mù lòa nhưng vẫn phải làm người có ích cho xã hội”. Cũng chính ông cụ đã nhiều lần lặn lội đi tìm mua những nhạc cụ mà ông Triệu yêu thích muốn học sau khi nghe được trên đài, dù khi đó gia đình vẫn còn bữa no bữa đói.
Ông Triệu thổ lộ: “Chiếc đài là người thầy duy nhất của tôi từ bấy cho tới giờ”. Với suy nghĩ càng nhiều tuổi càng phải học, ông đã sắm thêm 2 chiếc đài để phục vụ việc nghe nhạc của mình.
“Nghệ sĩ nhân dân” với nhiều biệt tài
Sau 55 năm tự học, giờ ông Triệu có thể chơi được bảy loại nhạc cụ: Sáo, nhị, tiêu, hồ, măngđôlin, trống chèo và đàn tam. Mỗi loại nhạc cụ ông đều nghe hướng dẫn trên đài rồi làm theo, riêng nhị ông phải bỏ ra cả năm trời mới kéo được. “Lúc đầu cầm đến cây nhị thấy ngượng như cầm cái que. Không biết để tay ở đâu, đặt cây đàn sấp ngửa ra sao nhưng sau vài ngày loay hoay tôi cũng tìm được cách chơi”, ông Triệu vui vẻ nhớ lại.
Còn nhớ bài chèo đầu tiên ông hát là bài Duyên phận phải chiều, không biết chữ nên cách duy nhất để ông học thuộc là giữ khư khư cái đài bên mình, mỗi lần nghe đài phát bài chèo đó ông lại nhẩm theo mất 3 - 4 ngày mới thuộc được.
Ông cũng coi mình là người có duyên phận với hát chèo khi lớn lên ông lại hát những khúc ca hào sảng, khỏe mạnh của hò sông Mã. Sau hai năm tự mày mò học tập, năm 16 tuổi ông bắt đầu tham dự các cuộc thi văn nghệ của tỉnh Thanh Hóa. Khi tiếng nhị của ông vang lên, nhiều người không khỏi giật mình bởi sự réo dắt, da diết, chất chứa toàn bộ tình cảm của người kéo.
Người nghệ sĩ mù tay kéo nhị, chân đạp song loan hướng dẫn người học bài chèo. |
Thật khó tin người nghệ sĩ nghiệp dư, không qua một trường lớp bài bản như ông Triệu nhưng hễ đã đi thi là chắc chắn có phần thưởng mang về. Những tấm bằng khen trên bốn bức tường cũ kỹ trong nhà là bằng chứng về tài năng hiếm có của ông.
Năm 1965, ông được Bộ Văn hóa tặng bằng khen; năm 1992, tỉnh Thanh Hóa tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa; đặc biệt tại Hội diễn các gia đình nghệ thuật không chuyên tỉnh Thanh Hóa năm 2001, gia đình ông đã giành huy chương Vàng, riêng ông Triệu đã được tặng huy chương Bạc dành cho nhạc công xuất sắc nhất.
Nhưng niềm tự hào lớn nhất của người nghệ sỹ mù này là hai người con Lê Văn Trung và Lê Thị Hoa, thừa hưởng gien di truyền nghệ thuật của cha, đều có giọng hát chèo, hát ca trù ngọt ngào, truyền cảm như diễn viên chuyên nghiệp.
Không chỉ giỏi ca hát, ông Triệu còn có những tài lẻ khác, ông từng là phát thanh viên dã chiến cho xã Hà Tân. “Ngày đó, đài phát thanh là một cái chòi làm trên cao, người ở dưới đọc trước, tôi ở phía trên đọc lại vào loa. Đều đặn như thế suốt ba năm từ 1964 đến 1967, ngày nào có tin chiến sự Nam – Bắc dù nắng hay mưa tôi cũng đều tự trèo lên mà chưa bao giờ bị trượt ngã”, ông tự hào kể lại.
Tiếp đó, hai năm sau ông đi gác phòng không báo động, báo tĩnh máy bay địch cho bà con. Trạm gác cũng ở trên quả đồi cao, trong làng người dân khai thác đá tiếng đập đá chan chát, nếu đúng mùa vụ thêm cả tiếng máy tuốt lúa của hợp tác xã rất khó nhận biết tiếng máy bay trên trời, nhưng ông Triệu phát hiện rất nhanh, từ lúc máy bay còn ở xa ông vội đi đánh kẻng báo động cho dân biết.
Ông Triệu còn có tài sử dụng đến 3 chiếc điện thoại di động, hai chiếc có chức năng nghe gọi đơn giản, riêng chiếc xịn nhất ông chỉ dùng để nghe nhạc. Tận mắt chứng kiến ông thành thạo bấm nút điện thoại mới thán phục trí nhớ của lão nghệ sỹ già này. Áp chiếc điện thoại lại gần tai, ông Triệu cẩn thận lắng nghe, bấm số người cần gọi trăm lần chính xác cả trăm. Ông cười hóm hỉnh bật mí cách nhớ danh bạ rất đặc biệt của mình bằng cách nhắc người lưu số theo đúng thứ tự. Mỗi chiếc điện thoại cũng có tới dăm bảy chục số nhưng ông nhớ chính xác ai đứng thứ mấy không lệch đi một nhịp.