Không khó để tìm nhà anh Lê Văn Vũ (30 tuổi) ở thôn Mỹ Trạch Hạ, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Cứ đi thì có huy chương vàng
Anh Vũ là con út trong một gia đình có 7 anh chị em. Lúc mới sinh ra, anh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, được một tuần tuổi thì chân anh sưng lên, ửng đỏ, ban đầu gia đình còn tưởng anh bị côn trùng cắn.
Nhưng sau khi đi khám, bác sỹ bảo anh bị bệnh “tạo xương bất toàn” hay còn gọi là xương thủy tinh.Tuổi thơ nghịch ngợm làm chân anh gãy không biết bao nhiêu lần, mỗi lần như thế anh phải nằm im một chỗ một thời gian mới khỏi.
Biết mình không lành lặn được như bạn bè đồng trang lứa, học hết lớp 5 thì anh nghỉ ở nhà. Thời gian đó, anh phải đeo dép vào tay rồi bò bằng cả hai tay hai chân.
Vợ chồng anh Vũ. Dù bị căn bệnh xương thủy tinh hành hạ, anh luôn tỏ ra là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình. |
15 tuổi, anh xin gia đình vào Vũng Tàu học nghề làm giày. Để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài buổi học anh lấy vé số, chống đôi nạng gỗ đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán kiếm tiền học nghề với ước mong đổi đời.
Làm nghề đóng giày được một thời gian, anh quay lại bán vé số rồi học thêm nghề sửa chữa điện thoại. Ở Vũng Tàu được 7 năm, anh về quê mở tiệm sửa chữa điện thoại. Cũng trong thời gian đó, anh bắt đầu “bén duyên” với các cuộc thi bơi lội.
“Trời lấy của tôi đôi chân nhưng lại cho tôi đôi tay khỏe mạnh, từ nhỏ lại được sinh ra bên dòng Kiến Giang nên khả năng bơi lội của tôi cũng khá. Năm 2003, tôi tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc bộ môn bơi lội, đó là lần đi thi đầu tiên, lần đó tôi giành được 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng”, anh kể.
Không chỉ thi đấu cho tỉnh Quảng Bình, anh còn thi đấu cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cho đến thời điểm này, anh đã giành được 25 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 5 huy chương đồng của bộ môn bơi lội.
Mối tình đẹp ở trung tâm người khuyết tật
Nhắc đến vợ, anh chỉ cười. Anh bảo, hội người khuyết tật đã giúp anh tìm được nửa kia của đời mình.
Vợ anh là cô gái Thái hiền lành Sầm Thị Hà (32 tuổi), quê ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Chị Hà vốn là sinh viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Đà Lạt. Ra trường, không xin được việc nên chị vào Nam làm văn phòng cho một công ty tư nhân rồi tham gia vào hội người khuyết tật TP Vũng Tàu.
Sau những lần cùng nhau đi thi, anh chị đã có tình cảm và đến với nhau vào năm 2012. “Cưới nhau được mấy tháng thì tôi mang thai. Khi thai được 5 tháng thì bác sỹ bảo cháu bị tật cong xương như bố mẹ. Lúc đó chúng tôi hoảng sợ lắm, vì nghĩ bố mẹ đã tàn tật, con cái sinh ra cũng thế thì tội lắm.
Đến tháng thứ 8, lúc bác sỹ nhìn thẳng vào mắt hai vợ chồng rồi hỏi quyết định bỏ hay nuôi đứa bé, chúng tôi đã òa khóc. Lại nghĩ, chưa sinh ra làm sao biết con có bị tật gì không, biết đâu trời thương”, chị Hà nhớ lại.
Gia đình nhỏ của chị Hà. |
Anh chị đã quyết định sinh mổ sau khi đủ ngày đủ tháng. Biết con sinh ra hoàn toàn bình thường, lại một lần nữa anh chị bật khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc. Anh chị đặt tên cho con là Lê Bình An, cầu mong cho con một cuộc sống yên bình, và cũng là từ ghép quê bố và quê mẹ.
Khi con được 6 tháng thì anh chị đưa về quê, hai người mở một quán cà phê và hàng tạp hóa nho nhỏ để ổn định cuộc sống. Giờ Bình An đã 2 tuổi, chạy đi chạy lại khắp nhà, nói cười bi bô làm niềm vui của anh chị thêm trọn vẹn.
“Trời thương nên hai vợ chồng chúng tôi làm cũng đủ ăn, giờ phải cố gắng thêm nữa để lo cho con có một cuộc sống bằng bạn bằng bè”, anh Vũ chia sẻ.