Chiều cuối tháng 9, ông Đinh Văn Trọng (ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) gấp rút với công việc ở đầm nuôi trồng thủy sản. Vừa làm ông vừa chăm chú để ý vào chiếc điện thoại di động. Đã gần 6 năm qua, dường như ngày nào người đàn ông này cũng nhận được cuộc gọi báo có thai nhi bị vứt bỏ.
Một ngày năm 2010, ông Trọng xem tivi và nghe được tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là một trong những nước cao nhất Đông Nam Á. Thai nhi khi còn trong bào thai bị vứt bỏ bừa bãi nhiều nơi, hầu hết bỏ vào thùng rác. "Cứ nghĩ đến số phận của những đứa trẻ xấu số là tôi bị ám ảnh. Lòng thổn thức, trăn trở nhiều đêm không ngủ được", ông Trọng buồn rầu kể.
Ông Trọng dọn cỏ bên phần mộ các thai nhi trong khu nghĩa trang xã Cồn Thoi. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Tôi sợ không kịp các cháu sẽ bị vứt bừa bãi"
Thế rồi, ông bắt đầu đến các phòng khám tư nhân, bệnh viện xin hài nhi về chôn cất. Ban đầu, ông gặp khó khăn vì họ không hợp tác vì nghi ngờ ông là người xấu. Ông phải mất cả tháng trời kiên trì bền bỉ ở các phòng khám bày tỏ nguyện vọng mới được họ đồng ý.
"Bây giờ thì quen rồi. Tôi để điện thoại ở chỗ họ, khi nào có người phá thai thì họ gọi báo. Tôi sẽ đến đem về chôn cất", người đàn ông tuổi lục tuần kể.
Cứ thế, gần 6 năm qua, không kể nắng mưa ông âm thầm thực hiện công việc này. Chiếc điện thoại di động luôn được ông mang trong người. Dù làm bất cứ công việc gì hay ở đâu, ông luôn để ý mỗi lần chuông reo.
Mỗi ngày ông nhận 3, 4 cuộc gọi từ phòng khám ở xã Cồn Thoi, thị trấn Bình Minh và các xã lân cận. Có cuộc gọi ban ngày, có cuộc gọi lúc nửa đêm. Nghe người báo tin, ông bỏ hết tất cả công việc, tất tưởi chạy đến đưa các cháu về. "Tôi sợ không kịp thì các cháu sẽ bị vứt bừa bãi. Tội lắm", ông lặng giọng.
Một trong hai ngôi mộ tập thể chôn cất tập thể 258 hài nhi xấu số. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ông cho biết, các thai nhi ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cháu 4 tuần, có cháu 4 tháng. Nhiều hài nhi như cục thịt nhỏ đỏ hỏn, chưa rõ hình hài, có cháu mới có các bộ phận như hạt ngô. "Tôi đặt các cháu vào trong khăn, rồi quấn túi nylon ở ngoài. Sau đó bỏ vào tủ bảo quản đông lạnh, hết một tháng mới tổ chức chôn cất", ông Trọng kể.
Ngày tháng tiếp nhận các thai nhi đều được ông ghi chép rõ ràng trong cuốn sổ cũ nhèo màu. Đến nay, cuốn sổ ấy đã chật kín. Các thai nhi được ông đặt tên rất đẹp như Hương, Hoa, Hồng, Hạnh, Quân, Huy, Quang… dù ông không biết chính xác là trai hay gái.
Chôn cất khoảng 2.000 thai nhi
Ông Trọng không nhớ đã chôn cất bao nhiêu thai nhi, nhưng ước chừng được khoảng gần 2.000 cháu. Khu mộ phần của các hài nhi xấu số rộng khoảng 80 m2 nằm trong nghĩa trang xã Cồn Thoi. Đã có hai ngôi mộ tập thể chôn hơn 600 thai nhi được xây kiên cố. Mặt trước hai ngôi mộ ghi rõ ràng ngày, tháng năm và số lượng thai nhi thu gom.
Hố chôn được ông Trọng đào sẵn và xây chắc chắn trong khu mộ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Trong khu mộ đặc biệt này có hàng chục hố chôn đào sẵn. Hàng tháng, ông Trọng tổ chức chôn cất khoảng 30-40 thai nhi một lần. Cứ 3-4 tháng thì đầy một hố, một năm thì xây mộ thai nhi.
Vài năm gần đây, công việc thiện nguyện ý nghĩa này của ông Trọng được nhiều người dân Cồn Thoi hưởng ứng và tham gia. Nhóm này có sự tham gia của mẹ và vợ con ông Trọng. "Trước khi chôn cất, chúng tôi đều xin làm lễ ở nhà thờ, đọc kinh và hiệp tâm cầu nguyện như nghi thức tiễn biệt những người bình thường ", ông nói.
Ông Trọng tâm sự việc nhặt và chôn cất hài nhi là xuất phát từ cái tâm. Làm việc thiện để ông cảm hóa mọi người và tích đức cho con cái về sau. Còn ông và mọi người trong nhóm vẫn làm ruộng, đánh bắt nuôi trồng thủy sản để mưu sinh hàng ngày.
Ông Nguyễn Minh Lý - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi - cho biết tấm lòng thơm thảo của ông Trọng được mọi người biết đến gần 6 năm nay. "Ông Trọng và những người tham gia đều bỏ kinh phí, công sức để chôn cất hài nhi. Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn, rất ý nghĩa", ông Lý nói.