Ngày 12/7, chị Bảo Trân - sống trong một khu phong tỏa ở phường Tân Thuận Đông (quận 7) - cho biết đường Bùi Văn Ba chỉ có 3 siêu thị tiện lợi là Bách Hóa Xanh, Satrafoods, Vinmart+. Hiện, Satrafoods đã đóng cửa, Vinmart+ luôn trong tình trạng hết sạch rau, thịt, cá.
"Người dân chỉ còn siêu thị Bách Hóa Xanh nên đổ dồn vào đây mua sắm. Lúc nào siêu thị cũng trong tình trạng 20-30 người xếp hàng chờ. Từ 16h30 đến 18h hôm qua (11/7) tôi mới được vào, lúc đến lượt cũng chỉ còn vài cọng rau", chị bức xúc nói.
Tại một số khu vực phong tỏa ở TP.HCM, nhiều người dân phản ánh tình trạng khó mua lương thực, thực phẩm, đặc biệt là rau củ, thịt cá. Một số siêu thị hết sạch hàng từ sáng sớm, số khác cũng gặp khó vì lượng khách hàng đổ dồn về quá đông, không thể cung ứng kịp thời.
Chốt phong tỏa tại đường Bùi Văn Ba, quận 7 sáng 9/7. Ảnh: Quỳnh T. |
Khó mua rau, thịt, cá
Nhiều người dân sinh sống tại đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, (quận 7) đang gặp khó khi 4 ngày qua tính đến hôm nay 12/7, chỉ còn siêu thị Bách Hóa Xanh và Vinmart+ hoạt động.
"Khu vực này và nhiều nơi lân cận đang xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực cục bộ. Người tập trung và chờ xếp hàng trước một siêu thị rất đông, nguy cơ lây nhiễm cao", anh Hùng - sinh sống trong khu vực phong tỏa - cho biết. Anh mong chính quyền phường, quận có biện pháp cấp bách, kịp thời hỗ trợ rau, thịt, cá cho người dân.
Tương tự, chị Ly sống tại hẻm 128 Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cũng không thể đi mua đồ ăn vì cả 2 đầu hẻm đều đã bị chặn. Ngoài ra, dân cư khu vực này cũng phản ánh việc khó nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài nhiều ngày qua. Trong khi đó, một cán bộ tại chốt cho hay người dân đến nhận đồ tại đây rất lộn xộn, ý thức kém.
Hơn nữa, khu vực đường Bùi Văn Ba là nơi đang thực hiện phong tỏa để tầm soát và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. "Việc người dân đi ra khỏi nhà, tập trung tại chốt là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới lây nhiễm chéo. Hiện tại, chúng tôi linh động cho phép người dân đến nhận lương thực bên ngoài gửi vào nhưng giới hạn 5 người/lần và thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K", cán bộ này cho hay.
Thực sự, chúng tôi đang ngày đêm nỗ lực, các hệ thống siêu thị cũng đã cố gắng hết mức nhưng vẫn thiếu người
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.
Trước phản ánh của người dân, đại diện phường Tân Thuận Đông (quận 7) cũng cho biết ngày 11/7, các ban ngành, đoàn thể cán bộ phường đã chỉ đạo và kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ cấp phát thực phẩm cho các hộ dân trong khu vực phong tỏa, đặc biệt khu vực đường Bùi Văn Ba.
"Mỗi ngày đều có các nhà hảo tâm cung cấp lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho các hộ dân bên trong khu vực phong tỏa, giúp cho người dân trong khu vực phong tỏa an tâm, ổn định cuộc sống để thực hiện tốt thời gian cách ly", đại diện này nói.
Ngày 11/7, phường đã phát hơn 2.500 kg rau, củ quả các loại, 1 tấn gạo 350 suất cơm, 500 ổ bánh mì, 600 phần qùa (gạo, mì, nước tương, sữa) kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân.
Ngoài ra, phường đã liên hệ với các cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, CoopXTRA và đã thành lập 8 nhóm Zalo chịu trách nhiệm nhận phiếu mua hàng và giao hàng cho người dân tại nhà khi có nhu cầu.
Quận 7 cũng có văn bản quy định ai được ra vào chốt, trong đó những người được ra vào gồm người dân đi cấp cứu, khám chữa bệnh. Người kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như gas, điện, nước, nhân viên ngân hàng, thành viên Ban chỉ đạo chống dịch (yêu cầu có giấy xét nghiệm trong vòng 3 ngày với xét nghiệm nhanh và 7 ngày với PCR).
Siêu thị trong khu phong tỏa bị quá tải
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - thừa nhận trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng hiện nay, hệ thống phân phối bị giảm sút nên người dân khó mua sắm thoải mái như trước.
Mặc dù vậy, ông Phương khẳng định nguồn hàng vẫn đáp ứng đủ, vấn đề là hàng giao chậm hơn và nhân lực tại các siêu thị đang bị ảnh hưởng.
"Hàng thì không thiếu nhưng cái khó hiện nay là kho nằm ở các địa phương, đưa về rồi chia nhỏ đến các điểm bán, tuy nhiên đi đâu cũng gặp trạm kiểm soát dịch. Mặt khác lại thiếu người, tài xế quay vòng gấp 2-3 lần so với ngày thường nên không đủ sức", ông Phương phân tích.
Hơn nữa, theo phó giám đốc Sở Công Thương, một số cửa hàng quầy kệ nhỏ, không có kho dự trữ nên khách đông dễ hết hàng. Do đó, ông hy vọng người dân thông cảm và chịu khó quay lại mua hàng sau.
Rau, củ trên các kệ hàng trong khu phong tỏa thường xuyên hết hàng. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
"Thực sự chúng tôi đang ngày đêm nỗ lực, các hệ thống siêu thị cũng đã cố gắng hết mức nhưng vẫn thiếu người. Nếu bà con không thông cảm thì càng đuối, càng khó phục vụ tốt nữa", ông giãi bày.
Riêng tại khu phố Bùi Văn Ba (quận 7), theo ghi nhận từ 6h30-10h30 sáng 12/7 của Sở Công Thương, các siêu thị Bách Hóa Xanh và VinMart+ vẫn hoạt động ổn định với hàng hóa dồi dào. Trong đó, các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, thủy hải sản... ở Bách Hóa Xanh đầy ắp.
Đồng thời, siêu thị SatraFoods đang huy động nhân lực mới và sắp xếp để mở cửa trở lại ngay trong sáng 12/7. "Trong khu vực cách ly, hàng hóa vào hơi khó nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng lo cho bà con. Khoảng 10h45 sẽ có xe lưu động tăng cường đến khu phong tỏa Bùi Văn Ba, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân", ông Phương nói thêm.
Đoàn phường Tân Thuận Đông vừa thông báo bắt đầu từ hôm nay (12/7), tất cả việc đặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn phường sẽ thông qua số điện thoại: 0969449320 (đường dây nóng của phường). Thời gian đặt hàng từ 8-11h hàng ngày. Thời gian chuyển hàng sau ngày đặt hàng là 1 ngày.