Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động ở vùng thấp kỷ lục. Ảnh: Việt Linh. |
Chiều 2/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến cuối tháng 7, lượng tiền gửi vào ngân hàng từ dân cư đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ (+4,7%) so với cuối năm ngoái.
Đây là con số cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng đã tăng hơn 448.000 tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động ở vùng thấp kỷ lục trong năm ngoái và 3 tháng đầu năm nay.
Ccác chuyên gia cho rằng thực tế này đang phản ánh sự thận trọng của người dân trước nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cùng với đó, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại được xem là nguyên nhân khiến kênh tiền gửi ngân hàng trở nên hấp dẫn.
Cụ thể, cuối năm ngoái, mặt bằng lãi suất chủ yếu về dưới 5%/năm. Nhưng với đà tăng từ tháng 4 đến nay, mức lãi suất trên 6%/năm đã trở lại ở kỳ hạn dài của một số ngân hàng.
Tại kỳ hạn 18 tháng, thị trường có HDBank, DongABank, OceanBank hiện cùng giữ mức lãi suất 6,1%/năm. Tiếp sau là BacABank với lãi suất 6,05%/năm và Saigonbank, BaoVietBank với lãi suất 6%/năm.
Ở kỳ hạn 36 tháng, NCB tiếp tục dẫn đầu với lãi suất 6,15%/năm. OceanBank, Saigonbank, SHB, DongABank cùng giữ mức lãi suất 6,1%/năm, trong khi BacABank trả lãi 6,05%/năm.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank), mức lãi suất huy động vẫn neo ở vùng thấp, hiện dao động 4,6-4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên và 2,9-3,3%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt. Trong những ngày đầu tháng 10, hầu hết ngân hàng đều không thay đổi biểu lãi suất huy động so với tháng 9. Tuy nhiên nếu so với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động hiện cũng đã tăng 0,5-1%.
Ở chiều ngược lại, tính tới cuối tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng lại có dấu hiệu giảm nhẹ 1,1% so với cuối năm ngoái, xuống gần 6,77 triệu tỷ đồng, thấp hơn lượng tiền gửi dân cư.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển dịch vốn sang các kênh đầu tư khác thay vì tập trung vào ngân hàng. Sự dịch chuyển này có thể do nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Theo dự báo của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng tăng mạnh lãi suất huy động khó tiếp diễn trong phần còn lại của năm và có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi yếu tố thiên tai vừa qua. Nhóm này có lợi thế là nguồn vốn huy động dồi dào, chi phí vốn thấp, nên không chịu áp lực phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi.
Nhóm ngân hàng tư nhân vẫn chịu áp lực tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo đủ vốn cho tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng có cơ cấu huy động vốn không linh hoạt, phụ thuộc nhiều vào tiền gửi của khách hàng, sẽ phải duy trì mức lãi suất hấp dẫn hơn để cạnh tranh và thu hút dòng vốn.
Sự chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống duy trì ở mức cao có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động thời gian tới.
Trong đó, nhu cầu huy động vốn để phục vụ mục tiêu tăng tín dụng cuối năm sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng lãi suất tiền gửi. VCBS kỳ vọng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm cao hơn mức đầu năm, bình quân 0,5-1%.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.