Trong cơn mưa lớn trút xuống Đà Lạt chiều 1/9, nhà của anh Nguyễn Diệp Hưng (30 tuổi) ở đường Phan Đình Phùng (phường 2, TP Đà Lạt) ngập gần 50 cm. Anh cùng người thân phải tất bật di chuyển đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa đến hơn 19h mới xong. Gần nhà anh, một kho gạo bị ngập, vài tấn gạo bị ngâm nước không thể sử dụng.
"Mưa chỉ trút xuống tầm 30 phút, nhưng nước dâng lên nhanh, mọi người trở tay không kịp", anh Hưng kể.
Một giờ sau cơn mưa, đoạn đường trước nhà anh Hưng vẫn chưa rút hết nước. Ảnh: NVCC. |
Sống ở Đà Lạt từ nhỏ, anh Hưng cho biết đoạn đường nhà mình chỉ ngập từ lúc đường Phan Đình Phùng được làm mới. Ngoài trận ngập chiều 1/9, người dân ở tuyến đường này cũng từng hì hục tát nước, dọn nhà sau trận mưa lớn đầu tháng 4.
"Nước chảy lênh láng, tôi tưởng tượng có thể mang xuồng ra chạy. Cống thoát nước mới làm quá nhỏ nên nước thoát không kịp", anh nói.
Cũng trong cơn mưa đầu dịp nghỉ lễ, cửa hàng hoa trên đường Phan Đình Phùng của chị Thị Mai (27 tuổi) bị ngập nước, nhiều cây cảnh, hoa bị hư hại. Không kịp chuyển cây cối lên cao, người phụ nữ này lấy các bao đất chặn trước cửa hàng, ngăn dòng nước lớn.
"Lâu nay mưa nhỏ, ngập nhẹ nên tôi chủ quan không chuẩn bị vật dụng ngăn nước. Trong lúc nước dâng cao chiều 1/9, tôi vội vàng lấy bao đất chặn nước vào nhà để giảm thiệt hại tài sản", chị Mai kể.
Lực lượng chức năng dọn dẹp bùn đất tại hẻm 73 Bùi Thị Xuân (phường 2, TP Đà Lạt) chiều 1/9. Ảnh: MXH. |
Còn anh Phan Long (36 tuổi) cho rằng đây không phải là lần đầu tiên Đà Lạt ngập, cứ hễ trời mưa lớn, nhiều tuyến đường như Phan Đình Phùng, Cách Mạng Tháng Tám, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân... đều ngập sâu. Đã 3 năm gần đây, Đà Lạt thường xuyên ngập nhẹ.
Anh Long nói thêm một số con đường mới hoàn thiện lại hay ngập nước, trong khi thời điểm chưa mở rộng đường thì ít có chuyện này. Khi nước rút đi, sỏi đá nằm trơ trọi trên đường, bùn đất dính vào nền nhà và các tuyến đường khiến người dân mất nhiều thời gian dọn dẹp.
"Đà Lạt giờ đi nơi đâu cũng thấy bê tông. Ở cao nguyên mà tôi cứ ngỡ mình đang ở miền Trung mùa lũ. Là người Đà Lạt, tôi cảm thấy đáng buồn trước tình trạng này và không biết còn phải sống chung với ngập bao nhiêu năm nữa", anh Long bày tỏ.
Nhiều tài sản của người dân bị ngập trong nước. Ảnh: MXH. |
Di chuyển trong cơn mưa chiều 1/9, Nguyễn Tuyết Nhi (22 tuổi, sinh viên Đại học Đà Lạt) mất gấp đôi thời gian mới di chuyển về tới nhà. Nước chảy xiết khiến nữ sinh khó quan sát, phải chạy xe với tốc độ chậm qua một số đoạn đường có ổ gà.
"May mà chưa xảy ra tai nạn. Chạy xe trong lúc mưa lớn thật nguy hiểm, nhưng đang đi giữa đường thì trời đổ mưa nên tôi không còn cách nào khác", Nhi nói và cho biết nhiều người dân Đà Lạt cũng gặp cảnh tương tự mình trong chiều 1/9.
Ngoài việc ngập nặng, nữ sinh này còn cảm nhận nóng bức gia tăng, nhiều cơn mưa bất thường ở vùng đất này. Nhi cho rằng cây xanh ở Đà Lạt đang ngày càng ít đi, thay vào đó là các công trình bê tông mọc lên, là nguyên nhân khiến khí hậu nơi đây thay đổi những năm qua.
Chiều 1/9, một số tuyến đường tại TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, bị ngập nặng sau trận mưa xuất hiện khoảng 15h cùng ngày. Mưa lớn đã làm nước từ các đỉnh đồi đổ về khiến khu dân cư ở vùng trũng thấp bị ngập cục bộ.
Trong đó có đường Phan Đình Phùng, Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân... Đến hơn 17h, nước ngập tại TP Đà Lạt đã rút bớt, người dân đã lưu thông trở lại.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng rãnh thấp của rìa phía nam, kết hợp với gió mùa Tây Nam tăng cường độ, thời tiết Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng duy trì trạng thái ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông rải rác đến 2/9. Một số khu vực mưa vừa đến to.