Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Cao Bằng dựng lều ngủ ngoài trời do sợ động đất

Nhiều hộ dân ở xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) sống dưới chân núi phải dựng lều ngủ ngoài trời vì lo sợ đá lở từ rung chấn của các trận động đất.

Sau 3 trận động đất liên tiếp, trong đó có trận động đất mạnh đến 5,4 độ richter vào sáng 25/11, nhiều hộ dân xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) đã phải dựng lều ngoài trời để ngủ dù nhiệt độ ban đêm có thể xuống 13 độ C.

Trao đổi với Zing.vn, ông Mê Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, cho hay một số hộ dân sống gần chân núi hoang mang, lo lắng sau mấy trận động đất vừa qua. Một số gia đình phải dựng lều, phủ bạt ngủ ngoài trời do lo sợ đá lở.

Dong dat anh 1
Các hộ dân phải dựng lều lán đều sống rất gần chân núi. Ảnh: TTXVN.

"Cao Bằng không phải vùng có nhiều trận động đất mạnh. Người dân lần đầu trải qua tình huống này. Họ rất lo lắng nên dựng lều ngủ ngoài trời", ông Đạt cho hay. Theo vị lãnh đạo xã, chỉ có hơn chục hộ dân dựng liều ở.

Chủ tịch xã Đàm Thủy cũng cho biết thêm chính quyền xã ghi nhận một số thiệt hại về tài sản do động đất gây ra, chưa có thiệt hại về người. Một số nhà cửa đã bị nứt nhỏ đường chân chim.

Ông cho biết xã đang tích cực tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và huyện Trùng Khánh cũng đang ở đây để giám sát, đề phòng các sự cố bất thường có thể xảy ra. Xã cũng đang theo dõi sát sao các tình hình động đất để có biện pháp ứng phó kịp thời.

"Nhà nào gần chân núi, chúng tôi đang lên phương án để di dân, nếu có động đất thì đá lở rất nguy hiểm. Huyện và tỉnh cũng đang họp để đưa ra các phương án hỗ trợ và giải quyết di dân kịp thời cho bà con", ông Đạt thông tin.

Từ ngày 25-28/11, nhiều trận động đất xảy ra ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trận lớn nhất ghi nhận được lên đến 5,4 độ richter vào sớm 25/11. Động đất 5,4 độ richter được nhận định là có biên độ lớn, có thể gây nứt nhà cửa, rơi vữa.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Cao Bằng có đặc điểm tích lũy năng lượng và kiến tạo đặc thù. Nhiều đồi núi xen lẫn các khu vực có độ cao thấp, nên dễ có động đất. Ngoài ra, Cao Bằng cũng nằm trên đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên, chạy từ Trung Quốc về Việt Nam - một đới đứt gãy đang hoạt động mạnh.

Ông cho rằng việc Cao Bằng có động đất mạnh là một đặc điểm khá bất thường và đề nghị các nhà khoa học, Viện Vật lý địa cầu giám sát kỹ các biến động ở khu vực này.

Đứt gãy sông Hồng ảnh hưởng thế nào đến động đất ở Hà Nội?

Đây là đới đứt gãy có chiều dài gần 1.600 km, từ Vân Nam (Trung Quốc) chạy đến Hà Nội. Dọc đới đứt gãy này từng có những trận động đất mạnh 6-7 độ richter.


Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm