Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp kết thúc, nhiều người lo lắng về nguy cơ dịch bệnh khi quay trở lại TP.HCM để học tập, làm việc. Đặc biệt trong bối cảnh chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá là rất phức tạp với 35 ca nhiễm tại sân bay và nhiều bệnh nhân liên quan.
Những nỗi băn khoăn
Chị Đinh Thu Minh (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chị đang làm công việc văn phòng tại TP.HCM nên sẽ phải quay lại đây sau kỳ nghỉ Tết. Những ngày qua, chị luôn theo dõi sát sao thông tin dịch bệnh tại TP.HCM và cảm thấy an tâm hơn khi nhiều ngày liên tục không phát hiện ca mắc mới.
Điều khiến chị băn khoăn hơn là người từ Hà Nội về TP.HCM có phải tự cách ly tại nhà hay không.
"Nếu người về từ những tỉnh có dịch như Hà Nội phải tự cách ly tại nhà thì mình sẽ ở lại Hà Nội luôn, xin cơ quan làm việc từ xa chứ không về TP.HCM nữa", chị Minh cho hay.
Một khách sạn tại quận Tây Hồ bị phong tỏa do liên quan ca mắc Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Đây cũng là băn khoăn của anh Đỗ Văn Hải (26 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) khi lên kế hoạch trở lại TP.HCM sau dịp Tết. Khác với chị Minh, do công tác trong lĩnh vực xây dựng, tính chất công việc không cho phép anh làm việc từ xa.
"Khi nghe tin quận Tây Hồ có ca mắc ngoài cộng đồng (chuyên gia người Nhật Bản) tôi khá lo lắng rằng về TP.HCM có thể phải cách ly tập trung hoặc tự cách ly tại nhà. Tôi vẫn đang chờ thông tin từ ngành y tế rồi mới quyết định mua vé máy bay", anh Hải nói.
Chàng trai 26 tuổi cho biết thêm trong những ngày Tết, anh vẫn luôn bật ứng dụng Bluezone. Anh cũng cài đặt cả chế độ ghi nhớ vị trí từng đến trên ứng dụng Google Map của điện thoại để truy vết lại khi cần thiết.
Người dân cần ghi nhớ những nơi từng đến
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng người dân cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng dù trở về TP.HCM từ tỉnh có dịch hay không có dịch.
"Các vùng nguy cơ thì đã đều được ngành y tế phong tỏa và đưa đi cách ly tập trung nếu cần thiết. Người dân cần hợp tác bằng cách thực hiện thông điệp 5K của ngành y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Quan trọng nhất là mình phải nhớ mình đã đi những đâu", chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Theo bác sĩ Khanh, người dân nên bật ứng dụng Bluezone 24/24h và tự ghi nhớ những nơi mình từng đến. Song song với đó, mọi người cần theo dõi thông tin về những điểm phong tỏa hoặc những nơi mà ngành y tế đang tìm người và kiểm tra xem mình có từng tới đó không.
Chuyên gia nhận định ngành y tế hiện tại đang phân loại F1, F2 rất tốt và thực hiện cách ly ở diện hẹp nhất. Do đó, người dân cần bình tĩnh, phối hợp tối đa với ngành y tế nếu được yêu cầu hợp tác.
"Nếu mình hợp tác sẽ được xét nghiệm sớm, xác định nguy cơ. Nếu mình im ỉm đi thì nó sẽ lây trong nhà mình, cơ quan mình trước, như vậy còn nguy hiểm hơn", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Người trở về TP.HCM sau Tết cần đảm bảo thực hiện thông điệp 5K của ngành y tế. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện đơn vị đang thảo luận và đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu cụ thể đối với người trở về TP.HCM từ các tỉnh khác.
"Trong hôm nay, HCDC sẽ thông tin cụ thể về phương án theo dõi với những người trở về TP.HCM từ các quận, huyện và các tỉnh có ca mắc Covid-19", bác sĩ Yến cho hay.
Riêng đối với nhóm công nhân, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM trước Tết Nguyên đán, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết đơn vị này đã đề nghị người lao động khi về quê đón Tết phải ghi lại lịch trình di chuyển để phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu.
Sau khi trở lại TP.HCM, người lao động phải khai báo y tế và tự theo dõi tình hình sức khoẻ. Nếu từ vùng dịch trở về và có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, người lao động phải cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất.
Song song với đó, doanh nghiệp phải yêu cầu người lao động khi trở lại TP.HCM làm việc cung cấp lịch trình di chuyển trong thời điểm không có mặt ở TP.HCM.