Phóng viên Tuổi Trẻ đã sang Campuchia, đến ấp Thlok Thmey, xã Tarnol, huyện Kompong Ro, tỉnh Svay Rieng để nghe chính người dân nói về điều này.
Sự thật về miếng đất Gò Chùa
Chuyện về vùng ruộng Gò Chùa được người Việt canh tác từ lâu đời, chúng tôi đã nghe bà con ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây (Mộc Hóa, Long An) kể nhiều.
Nhưng để khách quan, phóng viên đã sang ấp Thlok Thmey tìm gặp ông Tà Chanh, một lão nông cố cựu làm ruộng ở mé đường biên hơn nửa thế kỷ, để hỏi chuyện.
Dưới gốc cây thốt nốt trong buổi trưa hè nắng gắt, ông Tà Chanh với vốn tiếng Việt rành rõi phàn nàn: “Mấy vụ lộn xộn hồi này là do Khemkharin, con rể ông Tà Xướng, kích động, kéo người đâu từ Phnom Penh xuống chứ bà con bên Thlok Thmey với Bình Bắc thương nhau còn không hết”.
Lý do mà Khemkharin, một đồn phó biên phòng của Campuchia và là thành viên của Đảng CNRP, đưa ra là vùng ruộng Gò Chùa này khi xưa là của ông nội ông Tà Xướng, tức ông cố vợ Khemkharin, và hiện mộ phần của ông cố vợ Khemkharin vẫn còn trên gò đất đó.
Nụ cười hồn hậu của một nông dân ấp Bình Bắc trên cánh đồng Gò Chùa quê hương. |
Nhưng ông Tà Chanh và những người già ở Thlok Thmey đều bác bỏ điều này. Tà Chanh nói: “Khemkharin còn nhỏ tuổi, lại không sinh ra ở đây làm sao biết chuyện”.
Tà Chanh kể ông Tà Xướng cha vợ của Khemkharin đã mất hai năm nay, đó là người mà khi còn sống mỗi năm vẫn xin biên phòng Việt Nam qua cúng ông nội mình trên đất ruộng Gò Chùa.
Tà Xướng cùng cha ruột là Tà Un đã sang thuê đất Gò Chùa của bà Ký, một địa chủ ở Bình Bắc, để làm ruộng từ cuối những năm 1950.
“Hồi đó bà Ký cho tới sáu hộ dân bên Campuchia qua thuê ruộng, rồi cho họ ở lại ngay trên đất ruộng đã thuê để tiện mần ăn” - ông Tà Chanh kể.
Việc thuê ruộng kéo dài tới năm 1966 thì chấm dứt khi chính quyền Việt Nam cộng hòa tiến hành dồn dân lập ấp, đưa toàn bộ người dân Bình Bắc vào khu vực cửa khẩu Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường ngày nay).
“Cha con Tà Un và Tà Xướng kéo về bên này ở (tức bên Campuchia). Đất ruộng Gò Chùa bỏ miết cho tới hồi sau khi Việt Nam giải phóng mới có người khai hoang lại.
Tui còn nhớ là cả nhà Tà Un, Tà Xướng đã tìm qua Bình Bắc xin chủ ruộng mới chừa một vuông nhỏ cho cha con họ cúng kiếng” - ông Tà Chanh nhớ lại.
Mượn đất thờ cúng
Người chủ đất đã cho phép cha con nhà Tà Xướng được phép qua lại làm đám cúng ấy là bà Nguyễn Thị Dứng ở ấp Bình Bắc.
Bà Dứng kể: “Tui còn nhớ rõ cái ngày khoảng năm 1984, tui và anh trai đang nhổ cỏ, cha tui đang ngồi nghỉ ngơi uống nước trà thì ông Tà Xướng qua xin gặp”. Ông Tà Xướng gặp cha bà Dứng để xin khi làm lúa thì né giúp một phần đất nhỏ bé, ngang 2,5 m, dài 3 m.
Tà Xướng nói đó là phần đất mà gia đình ông hồi còn thuê ruộng đã chọn để làm nghi thức hỏa táng ông nội mình và những người bà con khác, trước khi đem tro cốt của họ về lại bàn thờ tổ dòng tộc tại Campuchia để thờ.
“Ổng chỉ xin để ông mỗi năm qua một lần thắp nhang, để nhớ về ông bà của mình, chớ tui mần ruộng ở đất Gò Chùa mấy chục năm nay không thấy có miểng sành, mảnh cốt gì hết” - bà Dứng kể lại.
Cảnh sát Campuchia và bộ đội biên phòng Việt Nam trao đổi trên đường biên giới. |
Bà Dứng cũng nhớ từ ngày đầu mới về đây, bà đã 10 tuổi, nhưng nhớ rất rõ là khu vực trên chỉ là một gò đất nổi lên chưa quá ống chân người giữa đám cỏ bụi, và không hề có một bia đá hay khúc cây nào chứng tỏ nơi đây từng là một ngôi mộ.
Việc qua lại thắp nhang cứ thế diễn ra yên ả cho đến năm 2012 khi ông Tà Xướng qua đời thì người con rể Khemkharin bắt đầu kiếm chuyện, vu cáo người Việt xâm lấn đất của cha vợ mình.
Với “bằng chứng” là khoảnh gò trên đất ruộng mà 30 năm trước nhà bà Dứng đã nhường lại để ông cha vợ Khemkharin có nơi cúng kiếng mỗi năm.
Sự ngang ngược của Khemkharin làm cho nhiều người Thlok Thmey buồn lòng, ông Tà Chanh nói mấy ngàn người đi trên mấy trăm chiếc xe hơi kéo vô vùng biên này đòi đất đều là người Phnom Penh và các tỉnh xa kéo tới.
Còn dân xóm Thlok Thmey thì bao đời qua lại với người Bình Bắc, đất đai hai phía chia ranh giới bằng bờ ruộng, lối mòn nhưng một nhát cuốc phạm vô cũng không ai làm.
Người dân ấp Bình Bắc đang chăm sóc lúa trên đồng Gò Chùa, cạnh cột mốc 203. |
Đứng trên đất ruộng Gò Chùa, đại tá Nguyễn Văn Quan - Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Long An - nói câu chuyện trên cánh đồng biên giới này trắng đen ra sao bà con hai bên đều hay.
Nhiều người cao tuổi bên Thlok Thmey cũng nói với biên phòng Việt Nam, việc hộ gia đình Campuchia từ hơn nửa thế kỷ trước từng làm ruộng, nộp tô cho bà Ký chính là việc khẳng định đất này thuộc về Việt Nam.
Điều này cũng được các thế hệ sau đó nối tiếp bằng việc qua xin phép chủ đất và biên phòng Việt Nam thờ cúng vào ngày giỗ mỗi năm. Những căn cứ này cũng đã góp phần giúp Việt Nam và Campuchia đạt được thỏa thuận và cắm mốc tại vị trí cột mốc 203 từ năm 2009.
“Đáng tiếc là có người đã lợi dụng ân tình này của bà con biên giới để làm điều sai trái” - đại tá Nguyễn Văn Quan nói.
Cột mốc thanh bình
Tấm ảnh những phụ nữ Bình Bắc đang nhổ cỏ lúa trên đồng Gò Chùa, cạnh cột mốc biên giới trong bài viết này chúng tôi chụp vào sáng 19/7, ngay trong thời điểm mà gần 2.000 người Campuchia quá khích chuẩn bị kéo xuống.
Phía bên kia cột mốc, trên cánh đồng Thlok Thmey, cùng thời điểm ấy những nông dân Campuchia cũng cần mẫn làm việc.
Với những nông dân hai bên bờ biên giới này, câu chuyện ồn ào quanh cột mốc 203 không thể kéo họ ra khỏi cuộc sống bình yên, hữu hảo có được với những người láng giềng bên kia biên giới.
Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến - Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng - nói rằng bà con những làng quê Campuchia cạnh biên giới Việt Nam đa số đều hiền hòa, qua lại với bà con Việt Nam như những làng quê cùng đất nước.
“Chúng ta giữ chủ quyền biên giới là phải giữ gìn cả nghĩa tình ấy của người dân hai nước” - thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến nói.