Cuộc đời “bảy nổi ba chìm”
Người đàn bà tội nghiệp ấy tên đầy đủ là Đoàn Thị Tuệ (SN 1963, trú tại thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, Hưng Yên). Hình ảnh người đàn bà mù lòa, hàng ngày dậy từ 3h sáng, mò mẫm hơn chục cây số với gánh hàng rong lên tận chợ đầu mối Long Biên lấy hàng, rồi lại lặng lẽ thu mình vào một góc nhỏ ở khu chợ Hàm Tử Quan cần mẫn buôn bán, chắt bóp từng đồng bạc lẻ đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với người dân nơi đây.
Sự khắc khổ, lam lũ của người phụ nữ thôn quê ấy in hằn lên những nếp nhăn cứ xô đẩy nhau trên khuôn mặt. Bà kể về cuộc đời mình với giọng nghẹn ngào, chua xót.
Bà Tuệ xuất thân trong một gia đình thuần nông, nghèo khó nơi vùng quê Thọ Vinh (huyện Kim Động, Hưng Yên). Bố mẹ bà hạ sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái), bà là thứ 3 trong gia đình. Dù mọi người làm việc quanh năm suốt tháng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái kiếp đói nghèo vẫn cứ bám riết lấy gia đình bà.
Cái ăn đã không đủ nên bà cũng không bao giờ dám mơ ước sẽ có ngày được cắp sách tới trường như các bạn cùng trang lứa. Tới tuổi trưởng thành, 4 người anh chị em của bà lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Duy chỉ có bà Tuệ vì muốn đỡ đần bố mẹ nên bà cứ ở vậy. Tới lúc nhìn lại thì tuổi đã cao, bà cũng không nghĩ tới chuyện lập gia đình nữa.
Bà Tuệ hàng ngày vẫn mò mẫm buôn bán nơi xó chợ Hàm Tử Quan, Long Biên, Hà Nội. |
Kinh tế ngày càng phát triển, các khu công nghiệp mọc lên như nấm đổ bộ về các tỉnh ven đô. Ruộng gia đình nhà bà Tuệ cũng nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Không còn ruộng, ở quê thì chẳng có việc làm, lại không muốn ăn bám bố mẹ nên bà Tuệ theo người em dâu lặn lội lên Hà Nội để mưu sinh.
Cách đây khoảng 7 năm, ngày mới đặt chân lên chốn đô thành phồn hoa, tráng lệ, bà Tuệ cùng người em dâu thuê trọ trong một căn phòng tối tăm, chật trội nằm trên phố Phúc Tân. Khi đó mắt bà vẫn còn sáng, hàng ngày theo chân người em dâu ngược xuôi các chợ để buôn bán kiếm sống.
Được khoảng hai năm, người em dâu về quê rồi cùng chồng con ra ngoài Quảng Ninh làm ăn, sinh sống. Còn lại một mình, bà Tuệ vẫn cố bám trụ nơi mảnh đất Hà Thành.
Theo năm tháng, trăm thứ bệnh đổ vào người. Rồi một ngày, bà Tuệ bỗng cảm thấy chóng mặt, ngất đi. Tỉnh dậy, bà thấy mắt mình cứ mờ dần, mọi thứ trước mắt đều nhạt nhòa. Bà lấy hết số tiền bấy lâu dành dụm được nhờ người thân đưa đến bệnh viện chữa trị, nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Cuối cùng, bà được kết luận là “mù vĩnh viễn”. Dù tuyệt vọng nhưng bà vẫn cố dằn lòng không được gục ngã, không thể trở thành gánh nặng cho gia đình. Với suy nghĩ đó, bà vẫn tiếp tục công việc buôn bán của mình tại chợ Hàm Tử Quan, mặc dù mắt bà không còn khả năng nhìn nhận được mọi vật xung quanh.
Mơ đủ tiền mua một chiếc quan tài
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bà Tuệ cho biết: “Tâm nguyện lớn nhất đời tôi là làm sao có thể kiếm đủ tiền để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nhờ người thân lo cho mình được một đám tang tử tế, không phải làm gánh nặng cho gia đình”.
Để thực hiện giấc mơ ấy, nhiều năm qua bà Tuệ vẫn hàng ngày thức dậy từ 3h sáng, lần mò rồi quẩy gánh hàng rong đi bộ gần chục cây số lên chợ đầu mối Long Biên lấy hàng rồi lại lóc cóc mò mẫm đường về chợ Hàm Tử Quan bán kiếm vài đồng bạc lẻ. Hình ảnh người đàn bà mù cần mẫn, chắt bóp từng đồng bạc lẻ nuôi ước mơ nơi xó chợ Hàm Tử Quan đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với những người dân nơi đây.
Ước mơ của bà là làm sao đủ tiền lo được đám ma cho bản thân mình khi mất. |
Bán hàng lời lãi chẳng được là bao, vậy mà nhiều khi bà còn bị người ta lừa hết cả tiền. Bà Tuệ tâm sự, đã rất nhiều lần gặp phải khách hàng nhẫn tâm như vậy. Có lần, một phụ nữ ghé vào mua của bà Tuệ 20.000 đồng tiền cá. Lúc thanh toán, người này đưa tờ 10.000 đồng rồi bảo với bà Tuệ là 100.000 đồng, yêu cầu trả lại. Do mắt không nhìn thấy gì, bà Tuệ liền đưa túi tiền lẻ cho khách tự lấy tiền thừa.
Trong một lần như thế, tình cờ một người bán hàng bên cạnh phát hiện, chạy ra bắt giữ nhưng người phụ nữ này đã hất tay, lên xe máy bỏ đi. “Nhiều hôm tôi mua hàng ở chợ đầu mối hết 1 triệu đồng, khi mang về chợ Hàm Tử Quan dù đã bán hết hàng nhưng nhờ bạn kiểm tra lại xem lời lãi bao nhiêu thì chỉ còn có 400.000 đồng”, bà Tuệ chua chát nói.
Bà Tuệ cho biết, những người bán hàng xung quanh họ rất tốt, giúp đỡ bà rất nhiều. Khi có khách mua, họ sẵn sàng bỏ cả hàng để sang bán giúp cho bà Tuệ. Thỉnh thoảng họ vẫn thường xuyên cho đồ ăn, thức uống thậm chí giúp đỡ bà cả về tiền bạc. Nếu tháng nào bán được hàng, không bị lừa lọc, tiêu pha thật tiết kiệm, chắt bóp bà Tuệ có thể để ra được vài trăm gửi về để phụng dưỡng mẹ già ở quê đã 86 tuổi.
Hiện tại bà Tuệ thuê trọ cùng rất nhiều lao động vô gia cư khác trên một gác xép ở xóm ngụ cư nghèo Phúc Tân. Căn phòng chỉ rộng chừng gần 10m2, có thời điểm tới 8 người ở. Tài sản của mỗi người chỉ có duy nhất một chiếc làn nhựa và chiếc bao tải đựng đủ mọi thứ đồ. Thời gian đầu mới thuê trọ, do phải leo trèo cầu thang không quen, nên vài lần bà Tuệ còn bị ngã. Dần dà bà lần mò cũng quen. Về sinh hoạt hàng ngày, bà Tuệ vẫn không muốn làm phiền bất kể ai, vẫn tự mò mẫm để làm.
Bà Tuệ tâm sự, cách đây vài hôm bà mới về quê giỗ đầu người cha quá cố, người mà bà vô cùng yêu quý và kính trọng. Giờ đây nơi quê nhà, mẹ già của bà năm nay đã 86 tuổi đang sống cùng người em trai. Theo bà Tuệ, trong gia đình, ngoài bà, còn có hai người em trai cũng mắc căn bệnh như bà. Đang bình thường khỏe mạnh, bỗng sau trận ốm thấy mắt cứ mờ dần, nhìn mọi vật xung quanh không còn rõ ràng nữa. Mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không biết là bệnh gì.